Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục

Sáng 24/7, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011 – 2015 đã họp tại trụ sở Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.


 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

 

Tại cuộc họp này, Hội đồng tập trung thảo luận về: Dự thảo đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; chương trình công tác giai đoạn 2013 – 2015 và kế hoạch hoạt động năm 2013 của hội đồng.


Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” là đề án quan trọng do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chuẩn bị, đề xuất để Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Đến nay, dự thảo đề án đã cơ bản hoàn thành.


Mục tiêu tổng quát của đề án là tạo chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội; giáo dục có vị trí quyết định đóng góp vào sự phát triển bền vững đất nước. Đến năm 2030, giáo dục Việt Nam trở thành nền giáo dục mở, chất lượng cao, đạt trình độ nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc tế.


Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, trung thực, nhân văn, tự do sáng tạo, có hoài bão và lý tưởng phục vụ tổ quốc, cộng đồng; làm chủ bản thân, làm chủ đất nước và làm chủ xã hội; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản để sống tốt và làm việc hiệu quả; phát triển hài hòa con người cá nhân và con người xã hội.


Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng lưu ý một số điểm mới được đề cập trong dự thảo đề án lần này là: Cùng với đổi mới quản lý giáo dục và đào tạo, đề án nhấn mạnh hơn đến việc đổi mới công tác thi cử, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và coi đây là giải pháp quan trọng nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống giáo dục và đào tạo. Kiên quyết thực hiện Nghị định 115 của Chính phủ về phân cấp quản lý giáo dục, thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo theo hướng giao các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục được chủ động về quản lý nhân sự và tài chính cùng với quản lý thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.


Đóng góp ý kiến vào đề án, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hướng vào giải quyết những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, có tác động tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhu cầu học tập của nhân dân. Đề án cần đánh giá đúng những thành tựu, những đóng góp của giáo dục - đào tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nêu rõ những mặt hạn chế, yếu kém, bức xúc; xác định nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế, yếu kém.Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, xác định rõ ý nghĩa, vị trí quan trọng của giáo dục đào tạo, phát huy những thành tựu đã đạt được, đề án tiếp tục hoàn thiện quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.


Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng vào đề án. Nhấn mạnh việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo là vấn đề lớn, hệ trọng, Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng tiếp tục đóng góp những ý kiến vào đề án. Ban soạn thảo đề án tiếp thu những ý kiến này để hoàn thiện đề án để Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Chính phủ thảo luận, hoàn thiện trình Ban Chấp hành Trung ương.


Hương Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN