Tín hiệu giảm lãi suất huy động của một số ngân hàng gần đây cho thấy nguồn vốn trong hệ thống đang dư thừa và các ngân hàng đang tìm cách để bơm vốn ra nền kinh tế.
Giảm lãi suất
Gần đây, thị trường tiền tệ chứng kiến việc hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất huy động (LSHĐ) như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã điều chỉnh giảm 0,25% ở các kỳ hạn từ 3 - 11 tháng còn 6,5%/năm. Kỳ hạn 1 tháng BIDV áp dụng mức lãi suất 5,8%/năm, kỳ hạn 2 tháng 6,5%/năm và 3 tháng là 6,75%/năm. LSHĐ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã giảm thêm 0,1%/năm và kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 6,5%/năm; kỳ hạn 2 tháng LSHĐ còn 6,6%/năm.
VIB hỗ trợ cho vay vốn mua nhà. CTV |
|
Đối với khoản tiền gửi dưới 50 triệu đồng, kỳ hạn 2 tháng cũng chỉ còn 6,1%/năm. Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank), khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng lĩnh lãi cuối kỳ chỉ còn hưởng mức lãi suất 6,55%/năm, với kỳ hạn 2 và 3 tháng LSHĐ lần lượt là 6,64%/năm và 6,84%/năm. Việc các NHTM điều chỉnh giảm LSHĐ dưới trần quy định của NHNN đã diễn ra từ cuối năm 2013 nhưng khi đó, các ngân hàng chỉ điều chỉnh giảm với kỳ hạn tiền gửi 1 tháng, còn đợt điều chỉnh này giảm cả ở kỳ hạn dài.
Lý do giảm LSHĐ của các ngân hàng đưa ra là trong hai tháng đầu năm lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn khá tốt, trong khi tín dụng chưa tăng nhiều (theo Vụ Tín dụng NHNN, tính đến hết tháng 1/2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ước đạt âm 0,5% so với cuối năm 2013).
Một biểu hiện nữa cho thấy nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng dồi dào, thanh khoản tốt là theo số liệu của NHNN, trong tuần từ 10 - 14/2/2014 lãi suất liên ngân hàng giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Đối với các giao dịch bằng VND, so với tuần từ 6/2 - 8/2/2014, lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm trong ở mức 2,19%/năm, giảm 1,39%/năm so với tuần trước đó. Lãi suất các kỳ hạn còn lại dao động trong khoảng 2,7% - 7,1%/năm với mức giảm từ 0,62%/năm đến 1,59%/năm.
Doanh nghiệp được chào mời
Khi mà “đầu vào” đang khá tốt, tới mức sợ “tồn kho” vốn thì các ngân hàng đang đôn đáo tìm đầu ra. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa dành 2.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất thấp nhất 8%/năm. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng vừa tung ra thị trường 4.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ; hộ kinh doanh cá thể, lãi suất cho vay tối thiểu 8,5%/năm... Đại diện của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) cho biết, đầu năm 2014, hàng loạt chi nhánh phải chào mời doanh nghiệp (DN) lãi suất cho vay khoảng 6%/năm nhằm khai thông đầu ra.
Giám đốc một chi nhánh của VietinBank ở miền Bắc cho biết, năm 2014 vẫn sẽ là năm khó khăn của ngân hàng. Thực tế có những khoản ngân hàng cho vay chênh lệch LSHĐ và lãi suất cho vay (LSCV) chưa được 1%, có khoản thậm chí hòa vốn (chỉ 7% - 8%/năm - PV) cũng phải cho vay. Có khách hàng, khi cán bộ tín dụng đến tận nơi động viên DN vay vốn, nhưng DN nói vay vốn chẳng biết làm gì. Có khi vay vốn rồi gửi lại ngân hàng còn hiệu quả hơn!
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, hiện nay LSCV phổ biến của các NHTM ở mức 9 - 10%/năm. DN không nên nhìn nhận và chờ đợi mặt bằng lãi suất của chúng ta có thể giảm so với lãi suất của Mỹ hay Nhật Bản. Nếu so với diễn biến nền kinh tế của chúng ta thì mức lãi suất hiện nay DN có thể mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở rộng sản xuất kinh doanh.
“Năm 2013, đầu năm tăng trưởng kinh tế rất khó khăn, nhưng 6 tháng cuối năm nhịp tăng tốt hơn và sẽ tạo đà cho năm 2014. Thông thường, nhịp hồi phục của nền kinh tế tăng trước và nhịp tín dụng tăng sau”, ông Nguyễn Đình Tùng nhận định.
Theo một chuyên gia kinh tế, trong vài năm gần đây tăng trưởng tín dụng thường chậm chạp vào đầu năm nhưng “chạy” rất nhanh vào cuối năm. Chẳng hạn như năm 2013, riêng quý 4/2013 tín dụng đã có sự tăng trưởng mạnh tới gần 4%.
Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc một NHTMCP tại Hà Nội cho rằng, năm nay có thể tín dụng sẽ dàn đều ra các tháng chứ không tăng đột biến chỉ trong 1 - 2 tháng cuối năm. Có thể tín dụng chỉ âm vài tháng đầu và sau đó sẽ tăng mạnh dần. Có như vậy mới đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là từ 12 - 14%.
Đức Kiên