Độc đáo gốm Gọ Bình Đức
Gốm Chăm Bình Đức mà người dân ở đây thường gọi là gốm Gọ không biết có từ bao giờ bởi nghề làm gốm cứ được nối tiếp từ đời này sang đời khác, kéo dài hàng trăm năm. Mọi người ở làng Gọ chỉ biết rằng, phải giữ nghề bởi đây là nghề “gia truyền”, là cái “hồn” của người Chăm.
Gốm Gọ không nhiều hoa văn trang trí, hình dáng đơn giản, mộc mạc nhưng lại thu hút du khách và người tiêu dùng bởi nó có nét độc đáo. Trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển nhưng gốm truyền thống của người Chăm vẫn tồn tại với thời gian, giữ được hồn tinh túy và vẻ đẹp hoang sơ.
Gắn bó với nghề làm gốm Gọ gần 35 năm, nghệ nhân Lâm Hùng Sổi là một trong hai nghệ nhân nam làm gốm truyền thống lâu đời ở làng gốm này. Từ năm mười ba tuổi, ông Sổi đã theo mẹ học làm gốm - công việc và cũng là nguồn thu nhập chính của ông từ nhiều năm nay. Sản phẩm gốm truyền thống hiện nay gia đình ông chủ yếu làm theo nhu cầu thị trường như nồi đất, lò, lò bánh… Mỗi ngày, gia đình ông Sổi làm ra khoảng 50 sản phẩm gốm các loại.
Nói về kỹ thuật làm gốm, ông Sổi cho biết, vì làm thủ công nên để có một sản phẩm gốm phải rất công phu và qua nhiều công đoạn, từ nhào đất đến nặn tạo hình… Đất sét để làm gốm Gọ được lấy ở khá xa (xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình). Đất sét đem về ủ nước một đêm, sau đó nhào đập và trộn với cát được sàng kỹ tạo nên hỗn hợp rất dẻo và mịn.
Mặc dù giờ đã có bàn xoay hiện đại nhưng hầu như người làm gốm Gọ đều dùng bàn xoay đứng, đơn giản chỉ là một bàn gỗ nhỏ, cao tới bụng người. Đây cũng là nét riêng của gốm Gọ bởi khi tạo hình, người làm gốm cứ xoay mình, đi vòng quanh sản phẩm thay vì sản phẩm xoay tròn như cách làm gốm ở nhiều nơi khác. Gốm làm xong, được quét lên một lớp nước đất sét đỏ để màu gốm sau khi nung sẽ đẹp hơn.
Kỹ thuật nung gốm lộ thiên là nét đặc trưng hiếm có của gốm Chăm bởi nó mang tính cộng đồng cao. Khoảng 3 - 4 ngày người dân mới tập trung nung gốm một lần. Bãi nung là bãi đất trống để đón nắng đón gió và vị trí gần mương nước. Từ sáng sớm gốm được đưa về đây tập kết để phơi nắng. Sau khi khô, gốm được chất lên thành đống cao, xen kẽ lớp gốm, lớp củi và bỏ rơm, củi bọc xung quanh. Nung gốm phụ thuộc nhiều vào gió và nắng, thường vào 12 giờ là bắt đầu nung.
Tận mắt chứng kiến việc nung gốm mới thấy sự vất vả của người dân để cho ra một sản phẩm chỉnh chu. Giữa cái nắng oi bức của tháng 3, cộng sức nóng từ đống lửa đỏ rực, ai ai cũng ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn thoăn thoắt tiếp củi, khơi lửa và canh gốm chín. Khoảng sau một giờ nung gốm ở lớp ngoài sẽ chín trước và được lấy ra trước, lần lượt theo từng lớp.
Theo nghệ nhân Lâm Hùng Sổi: Gốm Gọ ngoài việc nhờ nguồn đất sét tốt, cách nung đủ lửa, cách tạo hoa văn cũng khá “lạ”. Gốm sau khi nung vừa lấy ra khỏi lò được vảy lên một loại nước từ trái thị hoặc vỏ hạt điều ngâm, tạo ra những vết loang lấm tấm đen. Cách trang trí này khiến gốm Chăm khác biệt với các sản phẩm gốm khác. Gốm nung xong, phần gốm nhà nào lại đưa về nhà người đó.
Bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống
Ở làng gốm Bình Đức hiện có 155 nghệ nhân làm gốm, trong đó có 6 nghệ nhân làm gốm mỹ nghệ. Khác với gốm truyền thống, để tạo ra sản phẩm gốm mỹ nghệ thường mất nhiều thời gian, khó làm, lại tiêu thụ chậm. Hầu như sản phẩm mỹ nghệ ở đây được làm theo đơn đặt trước hoặc gửi ở Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm (xã Phan Hiệp, Bắc Bình) giới thiệu và bán cho du khách tham quan. Tuy vậy nhưng nghệ nhân Đặng Văn Sơn vẫn gắn bó với gốm mỹ nghệ mặc dù nó không phải là nguồn thu nhập nuôi sống gia đình.
Cơ duyên ông Sơn đến với nghề gốm rất khác. Năm 2005, vợ ông được tỉnh Bình Thuận cho đi học nghề làm gốm mỹ nghệ ở tỉnh Ninh Thuận. Thấy vợ làm đẹp ông học theo và gắn bó tới tận bây giờ. Các sản phẩm gốm mỹ nghệ ông Sơn thường làm là tượng tháp, tượng thần Siva, tượng thần Apsara, tượng các kiểu sinh thực khí Linga - Yoni… được sử dụng để thờ cúng hoặc trang trí.
Đang tỉ mỉ nắn vuốt, tạo đỉnh nhọn cho một chiếc tháp Chăm từ đất sét đen, ông Sơn cho biết: Phải mất hai hoặc ba ngày mới xong cái tháp này bởi nó nhiều tiểu tiết. Để sản phẩm tinh xảo và trông thật “có hồn”, đòi hỏi nghệ nhân phải có hoa tay, sự đam mê, chịu khó, tập trung tỉ mỉ từng chi tiết. Gốm mỹ nghệ thường được nung trong lò kín, âm ỉ trong lửa bởi đòi hỏi nhiệt độ cao hơn. Sau khi nung gốm có màu đỏ vàng, rất đẹp mắt. Nhìn các sản phẩm mỹ nghệ của người nghệ nhân này ít ai biết rằng dụng cụ để tạo ra chúng khá đơn giản đó là chỉ cần vài cây thước nhựa, dao nhỏ, cây sắt nhỏ, ít vỏ sò, lá cây để tạo hoa văn…
Không chỉ làm gốm tại nhà, nghệ nhân Đặng Văn Sơn còn thường xuyên đến Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm để trình diễn kỹ thuật làm gốm cho học sinh và du khách tham quan. Ông Sơn chia sẻ: “Mấy đứa nhỏ bây giờ hầu như không còn biết làm gốm nhất là gốm mỹ nghệ. Gốm mỹ nghệ vừa khó làm lại tiêu thụ chậm nên tụi nó không học làm nữa. Giờ mình biết gì thì truyền lại cho con cháu sau này”.
Trên địa bàn xã Phan Hiệp hiện có Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm đang hoạt động. Nơi đây không chỉ lưu giữ, bảo tồn các nét văn hóa của người Chăm mà còn góp phần quảng bá, giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước.
Bà Lư Thái Tuyên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm cho biết: Từ thời các vua chúa đến đời sống hiện nay, sản phẩm gốm không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm. Trung tâm hiện đang lưu giữ và trưng bày hơn 1.500 hiện vật, trong đó có các sản phẩm gốm Chăm cổ từ nhiều thế kỷ và sản phẩm gốm truyền thống sử dụng hàng ngày.
Bên cạnh lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, việc phát huy giá trị làng nghề truyền thống, đặc biệt nghề làm gốm Chăm là nhiệm vụ quan trọng. Ngoài tổ chức gian hàng trình diễn làng nghề, Trung tâm thường xuyên mời các nghệ nhân đến biểu diễn, hướng dẫn cách làm gốm cũng như tổ chức cho du khách tham quan, trải nghiệm nghề làm gốm tại làng gốm Bình Đức, bà Tuyên cho biết thêm.
Trước thông tin Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm đang được xây dựng hồ sơ để UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, khắp làng gốm Bình Đức rộn ràng hơn hẳn. Các nghệ nhân ai nấy đều vô cùng phấn khởi và kỳ vọng nghề làm gốm sẽ được bảo tồn, phát triển bền vững.