Doanh nghiệp ổn định nhờ thỏa ước lao động tập thể

Việc kí thỏa ước lao động tập thể giữa Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Công đoàn Dệt may Việt Nam và giới chủ sử dụng lao động được xem là một bước tiến mới trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong bối cảnh các tranh chấp lao động, đình công, lãn công tự phát xảy ra ngày càng nhiều.

 

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, từ 1995 đến nay, cả nước có 4.380 cuộc đình công, bình quân có 243 cuộc đình công/năm, trong đó ngành dệt may và da giày chiếm 45%. Ngoài ra, tỷ lệ biến động lao động của ngành này cũng luôn ở mức cao, dao động từ 25 - 40%, đã làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư... Chính vì vậy, ngành dệt may đã đi tiên phong thực hiện thí điểm ký thỏa ước lao động tập thể cấp ngành nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, hạn chế đình công bất hợp pháp.

 

Việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

 


TS Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết thỏa ước lao động tập thể ngành được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động thông qua các nghĩa vụ và quyền lợi cụ thể. Vì vậy, không chỉ người lao động vui mừng vì nhiều điều khoản trong thỏa ước có lợi cho người lao động mà ngay cả giới sử dụng lao động cũng hồ hởi, bởi thực chất những điều này mang lại sự ổn định, bền vững cho doanh nghiệp sản xuất.


Chẳng hạn như liên quan đến chính sách tiền lương, các đơn vị tham gia đã điều chỉnh mức lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua đào tạo cao hơn tối thiểu 10% so với lương tối thiểu vùng (thay vì 7% theo Nhà nước quy định). Tiền lương của công việc trong điều kiện nặng nhọc độc hại tối thiểu cao hơn 7% so với công việc bình thường (thay vì 5% theo quy định của Nhà nước).

Nếu người lao động làm việc đủ 12 tháng và đảm bảo định mức lao động thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bảo đảm mức thu nhập bình quân/năm (bao gồm tiền lương, phụ cấp lương, tiền thưởng, không kể ăn giữa ca và các khoản nộp bảo hiểm) tương ứng với quy định về mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước. Những quy định trên đã giúp đảm bảo “cơ chế lương” thích đáng hơn cho sức lao động bỏ ra của người lao động. Riêng đối với chủ doanh nghiệp, mặc dù chi phí sẽ phải tăng lên, nhưng doanh nghiệp lại thu được hiệu quả lớn hơn, đó là sự ổn định của nguồn lao động, cũng có nghĩa là ổn định cho doanh nghiệp.


Cũng theo TS Cẩm, dù chỉ mới thí điểm từ năm 2010 đến nay nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia ngày một tăng lên. Đặc biệt, các đơn vị tham gia đều đảm bảo thu nhập khá cho người lao động, bình quân trên dưới 5 triệu đồng/tháng trong năm 2013. Theo đó, qua mấy năm triển khai, hầu hết các doanh nghiệp không xảy ra đình công tự phát hay ngừng việc tập thể. Tỉ lệ biến động lao động ngành dệt may cũng giảm dần so với ngành khác. Nếu như trước đây tỷ lệ này từ 20-45%, nay chỉ còn 5-10%.

 

Đặc biệt, biến động lao động tập thể đã giảm rõ rệt khi đa số lao động quay lại doanh nghiệp làm việc sau Tết. “Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Hiệp hội để mở rộng đơn vị tham gia và nhân rộng thí điểm trên các ngành khác như ngành cao su, mía đường, đường sắt… Ngoài ra, sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động các tỉnh để triển khai thỏa ước lao động tập thể ngành tại từng địa phương. Thực tế hiện nay đã có Bình Dương triển khai thành công việc kí thỏa ước lao động tập thể, sắp tới sẽ thực hiện tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai…”, ông Cẩm cho biết.


Có thể thấy, việc kí thỏa ước lao động tập thể ngành trên thực tế đã đem lại hiệu quả lớn, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp tham gia vẫn còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía, chẳng hạn nhiều doanh nghiệp muốn tham gia nhưng có những chế độ, điều kiện để tham gia chưa đạt theo quy định của thỏa ước; hoặc doanh nghiệp “ngại” sẽ phải thực hiện đúng các quy định cam kết, nếu không thực hiện được sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp… “Trong thời gian tới, các cơ quan ban ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến hơn nữa những lợi ích mà thỏa ước lao động tập thể đem lại tới tận từng doanh nghiệp, từng ngành… để thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp; đồng thời cũng để đảm bảo nhiều quyền lợi chính đáng hơn cho người lao động”, ông Cẩm đề xuất.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN