Ngày 1/8, đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do ông Nông Quốc Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum về thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, nhiều chủ trương, chính sách đã được đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Kon Tum, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đã đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất, hỗ trợ đất sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất, máy móc công cụ sản xuất cho bà con.
Bên cạnh đó, các chương trình, quyết định của Đảng và Nhà nước dành riêng cho vùng Tây Nguyên, các chính sách của Chính phủ giao riêng cho từng bộ, ngành quản lý theo từng lĩnh vực chuyên ngành và các chính sách do chính địa phương ban hành thực hiện đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.
Các dự án, chương trình đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nông sản được Nhà nước trợ cước, trợ giá và được cho vay không lãi suất để chăn nuôi, sản xuất.
Hàng nghìn người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, chăm sóc y tế... Nhờ đó, Kon Tum là một trong các địa phương giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tỉ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn 35,13%; giảm 29,79% so với năm 2006.
Quan tâm thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số, tỉnh Kon Tum cũng đã tập trung hỗ trợ đầu tư trên 117 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, chính sách phát triển sản xuất ở 20 xã trọng điểm đặc biệt khó khăn với 73 công trình các loại; trung bình mức hỗ trợ là 3,5 tỷ đồng/xã.
Tỉnh Kon Tum còn thực hiện chính sách cấp bù lãi suất 0,3%/tháng cho hộ nghèo dân tộc thiểu số ở 20 xã đặc biệt khó khăn với trên 7.200 hộ được hưởng lợi. Tỉnh cũng xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền, cấp giống cho gần 1.700 hộ nghèo thực hiện trồng mới trên 1.400 ha cao su…
Theo đánh giá của đoàn công tác, sau 25 năm đổi mới, tỉnh Kon Tum đã thực hiện khá tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, từ đó tác động tích cực đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đoàn công tác đề nghị Kon Tum tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các chính sách đối với người dân tộc thiểu số, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX), các quyết định của Chính phủ về công tác dân tộc.
Tỉnh cần giao trách nhiệm cho Ban Dân tộc phối, kết hợp với các ngành khác trong công tác dân tộc; tạo điều kiện thuận lợi và bố trí việc làm cho người dân tộc thiểu số, cho cán bộ làm công tác dân tộc; thực hiện tốt hơn nữa việc xây dựng nguồn nhân lực trên địa bàn…
Trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum xác định tiếp tục khai thác và sử dụng tốt các nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững với cơ cấu hợp lý; nâng cao rõ rệt chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của nhân dân, quyết tâm xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định, cơ bản thoát nghèo vào năm 2015.
Sỹ Thắng