Điểm sáng mô hình tự quản công trình nước sạch

Nhờ sự quan tâm của chính quyền, cũng như ý thức của bà con trong công tác duy tu, bảo dưỡng và tự quản các công trình; nên từ khi xây dựng xong cho đến nay, cả 6 công trình nước sạch của xã vùng cao Sơn Linh, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) đều hoạt động tốt, phục vụ thiết thực đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Ông Đinh Ơn (bên phải) thường xuyên phối hợp với cán bộ xã đi kiểm tra các bể chứa nước.


Đưa vào sử dụng từ đầu năm 2012, công trình nước sinh hoạt Bồ Gục, thôn Gò Da, xã Sơn Linh vẫn hoạt động hiệu quả. Tuy phải lấy nước từ mạch nước ngầm của sông, suối ở trên vùng cao, nhưng đồng bào nơi đây chưa bao giờ lâm vào tình cảnh thiếu nước. Có được kết quả này là nhờ ý thức của những hộ hưởng lợi trực tiếp từ công trình, khi bầu ra một người có nhiều đóng góp, uy tín để quản lý công trình nước sinh hoạt của thôn.

Ông Đinh Ơn (55 tuổi), người được bà con tín nhiệm giao quản lý công trình nước, cho biết: Việc quản lý công trình nước sạch Bồ Gục gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù địa hình phức tạp. Do vậy, người quản lý phải nghĩ đến lợi ích của tập thể, cố gắng hoàn thành tốt trách nhiệm bà con giao. Cứ thế, đều đặn mỗi ngày, ông Ơn đều đi dọc công trình nước sạch để kiểm tra, đóng mở van nước 6 lần theo giờ quy định: 5 giờ sáng mở, 8 giờ đóng; 11 giờ 30 mở, 13 giờ 30 đóng và 17 giờ mở đến 22 giờ đóng. Theo ông Ơn, mục đích của việc đóng mở theo giờ như vậy là để điều tiết nguồn nước hợp lý, đảm bảo khu vực nào trong thôn cũng có nước dùng; tránh thất thoát lãng phí. Cùng với đó, ông còn tham gia sửa chữa, bảo vệ công trình khi có sự cố theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Ông Đinh Ơn đóng, mở van cấp nước theo đúng giờ quy định.


Dẫn chúng tôi đi tham quan công trình, ông Ơn nói: “Mỗi tháng tôi nhận được 200.000 đồng tiền phụ cấp, số tiền ấy không nhiều nhưng tôi luôn trân trọng công việc được bà con tín nhiệm giao”.

Không chỉ riêng công trình nước sạch Bồ Gục, 5 công trình khác như: Công trình nước sạch Làng Xinh, Xà Lang, Xóm Thác, Bồ Nú và công trình nước sinh hoạt trung tâm cụm xã đều phát huy tối đa công suất. Có công trình trải qua hơn 10 năm, tuy đã cũ nhưng không bị hư hại, ảnh hưởng.

Từ năm 2012, xã Sơn Linh đã thành lập Ban quản lý công trình nước sinh hoạt cấp xã. Xã cũng mạnh dạn thành lập các tổ tự quản từ 1 - 4 thành viên tại các thôn để đảm bảo nguồn nước sạch được duy trì lâu dài và quản lí tốt hơn hệ thống công trình. Quỹ hoạt động sẽ thu từ tiền đóng góp của các hộ dân với mức 5.000 - 7.000 đồng/tháng. “Trước đây phải đi bộ xuống suối lấy nước cực lắm! Giờ chỉ đóng 5.000 đồng/tháng là có nước dùng thoải mái. Các bệnh về đường ruột cũng đỡ hơn trước”, bà Đinh Nhị Dít, thôn Gò Da, phấn khởi cho biết.

Ông Nguyễn Phan Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Linh chia sẻ: Mô hình tự quản ở xã Sơn Linh được xem là “điểm sáng” của huyện. Việc thành lập các tổ tự quản mang lại nhiều lợi ích như tăng tuổi thọ công trình; nâng cao nhận thức của người dân trong việc quản lý và sử dụng.

Theo thống kê của huyện Sơn Hà, toàn huyện có 58 công trình nước sinh hoạt, thì có đến 50% công trình hoạt động kém hiệu quả và ngừng hoạt động. Nguyên nhân chính là do công tác duy tu, bảo dưỡng công trình bị buông lỏng. Vì vậy, việc hình thành các tổ tự quản công trình nước sinh hoạt như ở xã Sơn Linh là điều cần thiết và cần được nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh thời gian tới.


Lê Phước Như Ngọc
Nỗ lực để cấp nước sạch cho ngoại thành
Nỗ lực để cấp nước sạch cho ngoại thành

Theo kế hoạch, năm 2015, thành phố sẽ hoàn thành việc cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh cho dân cư khu vực quận Gò Vấp, Tân Phú, 12, Bình Tân, Bình Chánh và huyện Hóc Môn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN