Tìm nước sạch cho vùng núi Phú Yên

Tình trạng nắng nóng diễn ra trên diện rộng ở tỉnh Phú Yên đã làm nhiều công trình nước sạch không phát huy hiệu quả, khiến cho hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, nhất là vùng miền núi, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Dù mới đầu mùa hè, có giếng đã không còn giọt nước nào, khiến hàng trăm hộ dân lao đao.


Từ cuối tháng 3 đến nay, hàng trăm hộ dân ở xã Sơn Định (huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) thiếu nước sạch để sinh hoạt. Mặc dù nhà nào cũng có giếng đào, nhưng đều không có nước, hoặc nếu có thì là nước bẩn, không thể sử dụng. Sở dĩ những giếng đào không có nước là do khi đào đến độ sâu 5 m gặp phải tầng đá, nên mùa mưa mới có nước, còn mùa khô thì cạn. 

Anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Hòa Bình chia sẻ: Ở xã Sơn Định, khu vực từ Dốc Mắm trở lên đều không có nước. Nhà ai cũng có giếng nhưng mùa nắng không có nước, nên những hộ dân ở đây mỗi tuần phải mua 2 m3 nước để dùng, với giá từ 60.000 - 70.000/m3.

Còn ông Nguyễn Văn Thọ, ở thôn Hòa Nghĩa cho biết: “Bây giờ, giếng khô hết, công trình cấp nước cũng cạn, nên nhiều gia đình phải đi lấy nước suối về dùng”.

Người dân phải mua nước với giá cao từ 60.000 - 70.000 đồng/m3, gấp 10 lần so với thành phố.


Xã Sơn Định có hơn 500 hộ, nhưng có đến 40% số hộ đang thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù Nhà nước đã đầu tư 3 công trình nước sạch tập trung, nhưng nay 2 công trình hầu như không sử dụng được, chỉ còn 1 công trình nước tự chảy, cấp nước cho 103 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Cách duy nhất là bà con phải mua nước từ các giếng khoan sâu ít nhất 84 m, có nơi phải khoan đến 170 m.

Hiện nay, xã Sơn Định đã có 5 hộ mua xe tải hoặc dùng xe công nông để chở nước sạch khai thác từ các giếng khoan đi bán. Giá mua tại chỗ là hơn 17.000 đồng/m3, nhưng vận chuyển đến tận hộ gia đình rồi bơm lên bể chứa thì giá lên tới 60.000 đồng/m3, nhưng người dân vẫn phải mua vì không còn nguồn nước nào khác. 

Ông Trần Minh Tiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sơn Định cho biết: Xã Sơn Định đã thí điểm khoan một giếng và đến thời điểm hiện nay có nước dùng ổn định. Tuy nhiên, giếng không đủ lượng nước để bà con sử dụng. Theo ông Tiên, nên đầu tư khoan giếng, khoảng 5 - 7 hộ khoan một giếng. Các hộ đóng góp kinh phí, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và các hộ cùng quản lý giếng khoan, chắc chắn mang lại hiệu quả cao hơn. Nếu làm được, thời gian tới, xã Sơn Định không còn tình trạng thiếu nước và cũng tốt hơn so với các công trình cấp nước tập trung không mang lại hiệu quả.

Thiết nghĩ, ý kiến của người dân cũng như chính quyền xã Sơn Định là chính đáng và thiết thực. Thực tế những năm qua, tỉnh Phú Yên đầu tư 93 công trình cấp nước tập trung ở nông thôn, nhưng qua kiểm tra chỉ có 37 công trình thật sự phát huy hiệu quả. Do đó, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cần sớm thí điểm xây dựng giếng khoan cho từng nhóm hộ theo thực tế từng vùng để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Có như vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch mới mang lại hiệu quả thiết thực.


Thế Lập
Công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang
Công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang

Công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt được đầu tư hơn 5,8 tỷ đồng sau gần 4 năm vẫn bỏ hoang khiến hơn 1.000 hộ dân vẫn phải sử dụng nước nhiễm mặn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN