Tiếp cận thơ Hồ Chí Minh, vấn đề đầu tiên được đặt ra là, làm sao để hiểu đúng, hiểu trúng thơ Bác, bởi thơ Bác giản dị, dễ hiểu nhưng lại hàm xúc, tinh tế, ẩn nhiều ý tưởng.
Vì thế, trong quá trình nghiên cứu, thẩm bình thơ Hồ Chí Minh, chúng tôi đặt cho mình việc làm đầu tiên phải tìm xuất xứ từng bài thơ. Chúng tôi quan niệm mỗi bài thơ là một tác phẩm văn học sinh động của sự sống; một tác phẩm ra đời bao giờ cũng nằm trong mối tương tác chặt chẽ, khăng khít giữa tác giả và đời sống xã hội.
Khi tiến hành tìm hiểu xuất xứ một bài thơ của Hồ Chí Minh với tư cách một tác phẩm văn học độc lập, tùy thuộc vào từng bài thơ cụ thể, chúng tôi lựa chọn các bước tiến hành như sau:
Xác định hoàn cảnh xã hội-lịch sử, không khí và những yêu cầu thời đại, tức là xác định hoàn cảnh lớn, hoàn cảnh rộng bao trùm có ảnh hưởng đến mọi người, mọi lĩnh vực, mọi hoạt động xã hội, đặc biệt tập trung chú ý những yếu tố ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến sáng tạo văn học - nghệ thuật.
Đối với thơ, người xưa thường nói “tức cảnh sinh tình”, “đối cảnh sinh tình”. Phải trong một tình huống nào đó tác động mạnh vào tình cảm, tâm hồn nhà thơ mới tạo nên nguồn cảm hứng, cảm xúc trào dâng làm nẩy sinh ra tình thơ, hình thành nên tứ thơ và phôi thai cấu trúc bài thơ. Cho nên cùng đồng thời xác định hoàn cảnh xã hội - lịch sử, yêu cầu thời đại, phải tìm hiểu hoàn cảnh cấu tứ, tức hoàn cảnh nhỏ sản sinh ra bài thơ đó.
Nắm vững tiểu sử, sự nghiệp tác giả. Đối với tác giả Hồ Chí Minh càng phải như thế. Một người có ảnh hưởng lớn đến thời cuộc, đến vận mệnh và hướng đi của cả dân tộc, người đã mở ra cho đất nước, dân tộc một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh. Việc hiểu biết tiểu sử, sự nghiệp lại cũng không chung chung, mà phải hiểu biết kỹ lưỡng từng đoạn đời và những thời đoạn mà tác giả gửi gắm thể hiện tình cảm, ý tưởng của mình bằng thơ.
Lại nữa, cần biết được tâm thế của nhà thơ khi làm bài thơ (ái, ổ, nộ, hỉ, ai, lạc) cùng với tư duy thơ của tác giả.
Tìm đọc những bài viết, bài nói của Bác có liên quan đến nội dung những bài thơ của Bác, những bài nói, bài viết của Bác có thơ xen trong văn và đọc các hồi ký của các vị lão thành cách mạng kể về những ngày tháng làm việc bên Bác, được nghe Bác đọc thơ, những bài thơ Bác mới làm…
Trong điều kiện có thể, đến những nơi tác giả đã nẩy ra cảm hứng thơ, những nội dung hiện thực cuộc sống được phản ánh trong thơ để khảo sát, để được sống trong không gian tâm tưởng đã sản sinh ra bài thơ. Về việc này, chúng tôi có được thuận lợi, may mắn đã đến được những nơi mà Bác đã cho ra đời những bài thơ hoặc phản ánh trong thơ như Việt Bắc, các nơi Bác bị giam ở tỉnh Quảng Tây, một số tỉnh ở Trung Quốc, khu HácLem, tượng nữ thần tự do ở Mỹ, Tốttenham ở Anh, Pari ở Pháp, Vùng Đông Bắc Thái Lan,… là những nơi có các sự kiện, cảm xúc mà Bác đã ghi lại bằng thơ.
Như vậy, khi tìm hiểu xuất xứ bài thơ, phải tìm hiểu, xác định cho được hoàn cảnh, văn cảnh và tâm cảnh đã tạo nên bài thơ đó.
Với cách làm như trên, chúng tôi nhận thấy có bài thơ khi tìm xuất xứ đạt độ chính xác 100%, có những bài chỉ mới đạt 90% trở lên, cần tiếp tục tìm hiểu thêm, và cần ý kiến, hiểu biết của độc giả bổ sung thêm để độ chính xác cao hơn.
Đây là kết quả bước đầu. Chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu và rất mong tiếp thu những ý kiến đóng góp của độc giả.
Lê Xuân Đức