Đi chợ gà mùa dịch - Bài 1: Người bán chủ quan

Trong bối cảnh thế giới chưa có vắcxin phòng chống dịch cúm A/H7N9 thì việc người dân nhận thức đúng, hành động đúng để có biện pháp tự bảo vệ mình trước dịch cúm A/H7N9 là rất cần thiết. Tuy nhiên, qua tìm hiểu hoạt động mua bán và tiêu dùng thịt gia cầm tại các chợ đầu mối và chợ bán lẻ tại Hà Nội cho thấy, người dân vẫn chưa nhận thức được đúng mức độ nguy hiểm của cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9.

Bài 1: Người bán chủ quan

Buồn vì hàng bán chậm nhưng phần lớn người buôn bán gia cầm tại chợ đầu mối cũng như tại các chợ bán lẻ tại nội đô lại chẳng mảy may lo lắng về mức độ nguy hiểm cũng như nguy cơ lây lan của dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9.

Lượng bán giảm còn 1/3


Đến chợ Hà Vỹ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) những ngày này, khi dịch cúm A/H5N1 đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành và dịch cúm A/H7N9 hoành hành ở Trung Quốc, PV Tin tức chứng kiến cảnh chủ các kiốt người thì ngồi ngáp vặt, người thì ngủ gục, số khác túm lại buôn chuyện. Hỏi tình hình buôn bán hàng gần đây, hầu hết kẻ buôn người bán ở đây đều tỏ thái độ ngán ngẩm vì lượng khách mua hàng thưa hẳn so với độ nửa tháng trước.
Chủ một ki ốt đầu dãy A, tên Hiền, thở dài chỉ vào đàn gà của mình, sốt ruột nói: “Đàn này tôi nhập đã được 5 hôm mà chưa bán được 1/3. Gà càng nhốt lâu càng sút cân, trông xấu mã. Giá bán giờ chỉ còn ngấp nghé giá nhập. Gà giống Ai Cập được bán với giá từ 72.000 - 85.000 đồng/kg”.


Lập chốt kiểm dịch 24/24 giờ tại chợ gia cầm Hà Vỹ

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ngày 16/4, bà Chu Thị Minh Huyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, cho biết: Huyện đã lập chốt kiểm dịch trực 24/24 giờ, kiểm tra chặt chẽ các phương tiện vận chuyển gia cầm ra vào chợ Hà Vỹ, đảm bảo gia cầm vào chợ phải có nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ. Đối với Ban quản lý chợ Hà Vỹ, chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm túc vi phạm và tùy theo từng thời điểm, đóng bớt các cổng chợ để kiểm soát có hiệu quả. Định kỳ đóng cửa chợ 1 lần/tháng để tổng vệ sinh, tiêu độc, phòng chống dịch.

 Theo bà Chu Thị Minh Huyền, trong ba tháng đầu năm 2013, lực lượng chức năng của huyện đã lập biên bản 3 vụ vi phạm với tổng số tiền hơn 59 triệu đồng. Từ 15/4, lực lượng quản lý thị trường thành phố sẽ được tăng cường để phối hợp kiểm tra gà không rõ nguồn gốc. Hiện gà tiêu thụ tại chợ Hà Vỹ có nguồn gốc từ các tỉnh, thành trong nước.

Xuân cường

“Chắc là do tác động của dịch cúm gia cầm đang gây chết người ở Trung Quốc nên dân ta hạn chế ăn thịt gà”, chúng tôi tiếp lời bà Hiền. Bà phân trần: “Ở đây không có gà Trung Quốc nhé! Tôi nhập gà từ trang trại ở huyện Đông Anh”.


Cũng có mặt ở chợ gà Hà Vỹ, vòng qua mấy sạp gà, một người buôn gà tên Hưng được các chủ sạp đua nhau mời chào. Tần ngần một lúc lâu trước một kiốt gà, ông mới xuống xe, bắt hai con gà. “Mấy tuần nay buôn bán thật chán. Hàng ế kinh khủng! Có ngày bán chưa được 10 con”, ông Hưng thở dài khi trò chuyện với chúng tôi. Là người buôn bán nhỏ, ông Hưng thường lấy gà ở chợ Hà Vỹ về, một phần giao cho các hàng ăn bình dân, phần còn lại để bán trong chợ. “Chúng tôi chỉ mong dịch mau hết để còn làm ăn. Cứ thế này bọn tôi khổ lắm, người chăn nuôi cũng chẳng sung sướng gì!”.
Bà Hiền cho biết, trước khi có dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc, mỗi ngày bà bán được 1,5 tấn gà nhưng những ngày gần đây chỉ bán được trên 5 tạ. Theo Trạm thú y Thường Tín, mỗi ngày có 30.000 - 35.000 con (tương đương khoảng 50 - 60 tấn). “Các hộ kinh doanh tại đây chủ yếu nhập gà từ Yên Bái, Thanh Hóa, Bắc Giang... thậm chí có hộ còn nhập từ Đồng Nai, Long An, Tiền Giang”, ông Nguyễn Lê Ngà - cán bộ thú y trực tại đây cho biết.

“Dịch đâu mà dịch?”


Chợ gà Hà Vỹ có 4 dãy với 162 ki ốt nhưng hiện chỉ có khoảng 2/3 số ki ốt hoạt động thường xuyên. Khi PV Tin tức hỏi những người buôn “chuyên nghiệp” tại chợ đầu mối có lo lắng về thông tin dịch cúm A/H7N9 hay không thì các chủ buôn cùng tỏ vẻ bức xúc: “Dịch đâu mà dịch? Chúng tôi chả tin là cúm hay dịch gì. Hoặc là dịch ở đâu không biết. Ở đây chả ai việc gì!”. Như để minh chứng thêm cho việc “chả có gì phải sợ dịch cúm”, bà Hiền nói: “Tôi bán gà ở chợ đầu mối đã hơn 20 năm có lẻ. Từ xưa đến nay, cứ con nào ốm, con nào gầy là tôi mang về nhà thịt”.


Từ khi có thông tin về dịch cúm A/H7N9, loa trong chợ cũng phát thông báo về các biện pháp vệ sinh, phòng dịch đối với người kinh doanh. Tuy nhiên, như một thói quen, người bán vẫn rất chủ quan. “Chúng tôi cũng có phát cả xà phòng để rửa tay nhưng họ thường không sử dụng”, ông Nguyễn Lê Ngà ngán ngẩm cho biết.


Không chỉ có người bán tại chợ đầu mối mà tại các chợ bán lẻ, người bán cũng rất chủ quan khi sơ chế gia cầm. Mở chiếc lồng gà bày ngay tại cổng chợ Đại Từ (quận Hoàng Mai), thấy khách ái ngại về dịch cúm và băn khoăn về nguồn gốc gà vì không thấy dấu kiểm dịch, một chủ hàng tên Hạnh mở chiếc lồng, bắt một con gà trống lên khăng khăng: “Ôi dào! Cứ mua đi! Chị đảm bảo chất lượng và nguồn gốc, đây là gà ta Phú Thọ “xịn”, giá chỉ 140.000 đồng/kg”. Ngó sang bên cạnh, người cùng bán hàng với chị Hạnh đang làm thịt gà trong tình trạng không găng tay, không khẩu trang, con gà vừa được hóa kiếp nằm trên nền xi măng ướt nhẹp...


Bài và ảnh: Mạnh Minh

Bài cuối: Người tiêu dùng lơ là

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN