Đề Văn thú vị về tính cách người Việt

Sáng qua (10/7), các thí sinh đã hoàn thành môn thi cuối cùng của đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH – CĐ 2013 với môn Văn ở 2 khối C, D và môn Hóa ở khối B. Thí sinh thi Văn ở khối C, D cho rằng, đề khó, mới lạ và đặc biệt thú vị với câu nghị luận xã hội.

 

Đề Văn khó nhưng hay


Câu nghị luận xã hội ở đề Văn cả hai khối C và D đều bàn về tính cách của người Việt Nam. Nhiều thí sinh tỏ ra rất hào hứng với câu nghị luận này. Tuy nhiên, để làm tốt đề Văn năm nay thì không phải điều dễ dàng. Đề Văn khối D yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm của mình về một ý kiến cho rằng đa phần người Việt thụ động. Còn đề Văn khối C yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm sống của mình về lối sống khôn khéo, “ăn đi trước, lội nước theo sau” của người Việt truyền thống.


Thí sinh chen chúc nhau lên xe buýt về quê sau kỳ thi căng thẳng (Ảnh chụp tại bến xe buýt ngã tư Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đan Phương

 

Thí sinh Nguyễn Thùy Trinh, trường THPT Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh), dự thi vào ngành Sư phạm Văn của trường ĐH Sài Gòn, cho biết: “Đề thi Văn khối D năm nay nhìn qua thì nghĩ là dễ, nhưng để viết hay thì khó. Với câu nghị luận xã hội, thí sinh phải có vốn sống nhiều. Bản thân em không đồng tình mà cũng không hoàn toàn phản đối với ý kiến đưa ra trong đề thi”.


Tại ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), thí sinh Lê Thị Hiền, thi vào Khoa Quản trị dịch vụ du lịch, nhăn nhó: "Khi cầm đề em bị choáng vì cách ra đề lạ quá. Đề hay nhưng không dễ làm. Nhất là câu 2 (3 điểm) rất khó. Em không hiểu hết được ý mà câu hỏi đưa ra. Muốn hiểu được phải có kiến thức xã hội rất sâu rộng".


Tại điểm thi ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, nhận xét về câu nghị luận của đề Văn khối C, thí sinh Phạm Tố Uyên (Thanh Hóa), cho rằng: “Em bày tỏ quan điểm theo từng mặt tích cực, tiêu cực. Khôn khéo trong giao tiếp là tốt nhưng không nên lạm dụng khôn khéo quá trong công việc, cuộc sống”. Đồng quan điểm, thí sinh Nguyễn Thị Tuyết (Thái Thụy, Thái Bình) tại điểm thi Học viện Báo chí - Tuyên truyền, chia sẻ quan điểm: “Khôn khéo có nhiều mặt tích cực, nhưng cũng cần đề cao trí tuệ”.


Ông Đỗ Quốc Anh, Giám đốc Cơ quan đại diện phía Nam Bộ GD&ĐT, cho biết: Chủ trương của Bộ ra đề thi năm nay theo hướng “mở” gắn với thực tiễn. Thí sinh phải học một cách căn cơ, vận dụng kiến thức tốt. Các đề thi có tính phân loại cao hơn mọi năm, từ mức độ dễ đến rất khó. Do đó, sẽ có nhiều mức độ điểm để các trường đảm bảo công tác tuyển sinh mà vẫn đảm bảo được điểm sàn. Nếu bài thi của thí sinh không có các ý trong đáp án, nhưng có ý sáng tạo độc đáo, thì vẫn được chấm điểm.

 

Quên đủ thứ


Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, trong đợt 2 kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ, đã có 648.102 thí sinh đến dự thi, chiếm tỉ lệ 78.09% số hồ sơ đăng kí dự thi. Cả đợt thi trên cả nước có 199 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó, 143 thí sinh bị đình chỉ thi. 3 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật.

Đợt thi thứ 2 đã kết thúc với biết bao chuyện đáng tiếc mà các thí sinh thi ĐH về sau cần rút kinh nghiệm cho mình. Em Bùi Anh Thông (SV ngành Bác sĩ đa khoa) thuộc đội Tiếp sức mùa thi ĐH Y Hà Nội cho biết, trong buổi sáng 9/7 thi môn Toán, đã có 2 trường hợp thí sinh sơ ý quên mang máy tính, một thí sinh quên mang kính. Khi vào phòng thi rồi, các thí sinh mới “tá hỏa”. Đội tình nguyện đã cho các em mượn máy tính và kính. “Chúng em đã chuẩn bị trước một số máy tính cầm tay vì lường trước được sẽ xảy ra chuyện thí sinh quên mang máy tính vào phòng thi”, Thông cho hay.


Một vấn đề khác cũng đã được nhắc đi nhắc lại, cảnh báo nhiều lần nhưng thí sinh vẫn “vô tư” quên. Đó là quy định cấm mang điện thoại di động vào phòng thi. Không ít thí sinh đã bị đình chỉ thi, dù điện thoại không hề được sử dụng. Theo ông Đỗ Quốc Anh, các trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi chủ yếu do lỗi mang theo điện thoại di động. Cụ thể, tại ĐH Cảnh sát nhân dân có 1 thí sinh mang điện thoại di động và 1 thí sinh mang ipod vào phòng thi; ĐH Nông Lâm có 2 thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi… Tại điểm thi trường THPT Bình Hưng Hòa của ĐH Công Nghiệp Thực Phẩm, gần hết giờ làm bài thì điện thoại di động của một thí sinh vang lên. Ngay sau đó, thí sinh này đã bị các giám thị đình chỉ thi.


Nhóm phóng viên

 

Thái Nguyên: Giúp thí sinh vượt qua các điểm ngập tới trường thi

 

Đêm mùng 9 rạng sáng 10/7, trên địa bàn thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên) đã xảy ra mưa lớn, lượng mưa khoảng 100 mm kéo dài trong gần 5 giờ đã gây ngập úng tại một số tuyến đường chính như: Lương Ngọc Quyến, Hoàng Văn Thụ, đoạn cầu vượt Thịnh Đán… có nơi ngập tới gần 1 mét. Đây là những tuyến đường tập trung nhiều điểm thi đại học, nhiều thí sinh không đi qua được. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên đã huy động 3 xe thiết giáp, 1 xe ca cùng hơn 30 chiến sỹ đã đưa thí sinh và người nhà thí sinh vượt qua những điểm ngập để tới các điểm thi. Ngoài ra, lực lượng công an và sinh viên tình nguyện cũng đã phối hợp hỗ trợ thí sinh và người nhà vượt qua điểm ngập đến phòng thi kịp thời gian.

 

Hà Nội: Cảnh sát giao thông giúp thí sinh kịp giờ thi

 

Sáng 10/7, trên đường đến điểm thi của trường Đại học Đại Nam, xe của thí sinh Lê Thanh Lê (Đống Đa, Hà Nội) bị chết máy tại ngã năm Ô Chợ Dừa trong khi chỉ còn 10 phút nữa đến giờ thi. Lê đã được tổ công tác của đội Cảnh sát giao thông số 3 - Công an thành phố Hà Nội, chở đến địa điểm thi và mang xe máy của thí sinh đi sửa, trả lại cho thí sinh sau giờ làm bài. Cùng ngày, đội giao thông số 3 đã giúp đưa thí sinh Phạm Văn Duy (Thanh Hóa) kịp đến dự thi tại trường Đại học Y khi thí sinh này đi thi một mình và không nhớ đường đến địa điểm thi. Tương tự, đội cảnh sát giao thông số 2 đã giúp đưa một thí sinh tại Thanh Hóa đến kịp giờ thi do người người nhà của thí sinh không nhớ đường đến địa điểm thi.

 

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN