Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 14/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 7.
Các ý kiến thảo luận cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội trước hết nhằm khắc phục những những hạn chế, bất cập hiện nay, phục vụ việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Việc sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội lần này còn nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các văn kiện khác của Đảng và đặc biệt là để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh tới sự đổi mới đáng ghi nhận trong các kỳ họp Quốc hội gần đây, đảm bảo việc thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, đồng thời được cử tri cả nước ghi nhận và hoan nghênh. Theo đại biểu, việc sửa đổi lần này là cần thiết để phù hợp với những yêu cầu của thực tiễn.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định chức danh Tổng thư ký Quốc hội như đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI). Tuy nhiên, chức danh này không được quy định trong Hiến pháp, không phải là một chức danh lãnh đạo Quốc hội, không có vị thế giống như Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Hiến pháp năm 1959, Tổng thư ký Hội đồng nhà nước theo Hiến pháp năm 1980. Chức danh Tổng thư ký Quốc hội không nhất thiết do đại biểu Quốc hội đảm nhiệm, là một công chức đứng đầu bộ máy giúp việc của Quốc hội.
Để nâng cao hơn nữa trách nhiệm cũng như hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, một số ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Trong dự án luật đề xuất tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách chiếm ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị nghiên cứu nâng tỷ lệ này lên 40% mới đáp ứng được yêu cầu công việc.
Quỳnh Hoa