Mặc dù việc huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại vùng Tây Nguyên thời gian qua đã tăng nhưng mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu về vốn của toàn vùng.
Vì vậy, việc thực hiện linh hoạt các chính sách nguồn vốn tín dụng cho vùng sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai trong thời gian tới. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã trao đổi với phóng viên Tin Tức xung quanh vấn đề này.
Thu hoạch hồ tiêu tại một hộ gia đình ở huyện Ea H’Leo. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Thưa Thống đốc, NHNN đã điều hành chính sách tín dụng linh hoạt ra sao nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên?
Để tăng dòng vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp nông thôn (NNNT) nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng, NHNN đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với TCTD có tỷ lệ cho vay vốn vào lĩnh vực này đạt 70%, còn 1/20 so mặt bằng chung. Chỉ riêng năm 2011, số tiền dự trữ bắt buộc đối với 6 TCTD cho vay vào lĩnh vực này bình quân giảm 8.624 tỷ đồng/tháng, giúp các TCTD có điều kiện mở rộng đối tượng được vay và giảm được lãi suất cho vay với khách hàng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: “Cán bộ tín dụng của Ngân hàng CSXH phải trở thành thành viên của tổ tư vấn về cách thức làm ăn để giúp đỡ bà con thoát nghèo. NHCSXH tập trung dành nguồn vốn cho vay đối với 5 tỉnh trong vùng Tây Nguyên với mức tăng cao hơn mức tăng toàn quốc từ 5- 7%/năm’’. |
NHNN đã có chính sách ưu tiên về vốn và lãi suất tái cấp vốn cho các TCTD cho vay đối với lĩnh vực NNNT nhằm khuyến khích và tăng nguồn vốn cho vay với lĩnh vực này. Thực tế, đã có sự điều chuyển vốn rất lớn hàng năm (khoảng trên 40.000 tỷ đồng mỗi năm) từ Hội sở đến chi nhánh của các TCTD để cho vay đối với vùng kinh tế Tây Nguyên. NHNN kiểm soát trần lãi suất cho vay đối với DN thuộc lĩnh vực NNNT, DN nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, lĩnh vực xuất khẩu, công nghệ cao. Dư nợ cho vay đối với khu vực NNNT khu vực Tây Nguyên là trên 53.000 tỷ đồng, với mức lãi suất cho vay ngang bằng và thấp hơn trần lãi suất quy định.
Thống đốc đánh giá thế nào về hiệu quả của Chương trình tín dụng đặc thù với vùng kinh tế Tây Nguyên, trong đó có các chương trình tín dụng cho vùng kinh tế khó khăn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ?
Tôi cho rằng, hệ thống ngân hàng đã làm tốt việc này. Đó là các chương trình tín dụng đối với 3 huyện nghèo thuộc khu vực Tây Nguyên mà Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn (Agribank) làm nòng cốt với dư nợ cho vay đạt gần 50 tỷ đồng; chương trình cho vay trồng, chế biến cà phê, kể cả việc cho vay tái canh vườn cà phê với tổng dư nợ chương trình này cuối năm 2012 đạt trên 22.000 tỷ đồng, góp phần đưa giá trị xuất khẩu của cà phê Tây Nguyên lên mức kỷ lục (3,5 tỷ USD) trong năm 2012.
Trong dòng vốn chảy về Tây Nguyên còn có cả nguồn vốn lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng từ các TCTD để đầu tư vào các nhà máy thủy điện, nhà máy chế biến cà phê và các loại nông sản khác, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả vùng.
Hiện nay, chính sách tín dụng đối với vùng Tây Nguyên vẫn còn bất cập, thưa ông?
Theo tôi, bất cập lớn nhất là chính sách tín dụng đối với vùng Tây Nguyên chưa kịp thời. Để khắc phục tình trạng này, NHNN đang chủ trì phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, cấp ủy, chính quyền địa phương 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) xây dựng Đề án tổng thể của ngành ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế Tây Nguyên nhằm tháo gỡ vướng mắc về chính sách, chỉ đạo các TCTD tập trung vốn đầu tư cho vùng Tây Nguyên.
NHNN sẽ chỉ đạo các NHTM Nhà nước phải đóng vai trò trung tâm tạo lập ra các chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Cụ thể, các ngân hàng này sẽ cung cấp vốn cho người nông dân, DN thu mua chế biến xuất khẩu, các siêu thị, nhà hàng... nhằm kích cầu nội địa và tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho ngành sản xuất, chế biến nông sản của Tây Nguyên.
Minh Phương