Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) được thực hiện trong 25 năm qua đã giúp phòng ngừa được khoảng 6,7 triệu ca mắc và giảm 42.900 ca tử vong cho cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chương trình cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là làm thế nào duy trì và tiếp tục nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là tại các tỉnh vùng khó khăn.
Nhiều khó khăn với công tác tiêm chủng
Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) chính thức triển khai ở Việt Nam từ năm 1985 với 6 loại vắcxin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em. Từ năm 1995 đến nay, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắcxin luôn đạt trên 90%. Tuy nhiên, ở tuyến cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cao và an toàn tiêm chủng vẫn còn nhiều thách thức.
Khó khăn ở vùng sâu, vùng xa
Theo ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế: Chương trình TCMR đã triển khai tiêm chủng miễn phí 11 loại vắcxin cho cả trẻ em và phụ nữ nhằm phòng các bệnh lao, bạch hầu-ho gà- uốn ván, bại liệt, sởi, viêm phổi... Nhờ tiêm chủng vắcxin trên diện rộng, Việt Nam đã đạt được các mục tiêu cam kết quốc tế là thanh toán bệnh bại liệt năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005. So với thời gian giữa năm 1985 và năm 2009 thì tỷ lệ mắc ho gà giảm 543 lần, bạch hầu giảm 433 lần, uốn ván sơ sinh giảm 69 lần. Tỷ lệ mắc sởi giảm 182 lần. Đặc biệt, Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công 10 vắcxin, không chỉ giúp chúng ta chủ động nguồn vắcxin phục vụ chương trình TCMR mà còn phục vụ cho xuất khẩu. Nhưng bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác TCMR đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Tiêm vắcxin phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ ở làng Cát, xã Đakrông (Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Chia sẻ về vấn đề này, BS Nguyễn Văn Sửu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lào Cai cho biết: “Những quy định về hỗ trợ kinh phí cho cán bộ tiêm chủng theo Thông tư 147 về hướng dẫn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đến nay không còn phù hợp nữa. Theo đó, phải cho trẻ uống hoặc tiêm đủ 11 liều vắcxin thì cán bộ ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, mới được 6.000 đồng/trẻ; còn cán bộ ở vùng đồng bằng là 3.000 đồng/trẻ. Đây là mức bồi dưỡng quá thấp so với công sức của cán bộ làm công tác tiêm chủng. Bởi, ngoài điểm tiêm cố định tại trạm y tế thì các cán bộ y tế còn phải đi tiêm phòng tại những thôn, bản xa hàng chục km”.
Tại tỉnh Lai Châu, do đường đi từ trạm y tế xuống nhiều thôn, bản rất xa nên các cán bộ tiêm chủng gặp nhiều khó khăn trong việc vận động người dân đưa trẻ tới trạm y tế để tiêm chủng. Đến nay, tại tỉnh này vẫn còn trên 20% xã chưa có điện nên việc bảo quản vắcxin và kế hoạch tiêm chủng cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắcxin tại nhiều huyện đã bị hỏng, thường xuyên phải sửa chữa. Kinh phí hỗ trợ cho việc triển khai công tác tiêm chủng còn quá thấp. Việc quản lý, tiếp cận và vận động đối tượng tiêm chủng cũng gặp khó khăn do nhiều người dân giữ tập quán ngủ nương rẫy và đẻ tại nhà (tương đương trên 70% tổng số ca đẻ).
Phòng ngừa tai biến
Quan tâm tới vấn đề đảm bảo an toàn tiêm chủng, BS Bùi Huy Nhanh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương cho hay: “Cần phải củng cố, hoàn thiện dây chuyền lạnh nhằm bảo quản chất lượng vắcxin trong quá trình vận chuyển và bảo quản, ngay cả ở bệnh viện. Bởi một số bệnh viện đang sử dụng tủ lạnh gia dụng để trữ vắcxin nên khó theo dõi nhiệt độ bảo quản vắcxin”.
Ông Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pastuer TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: “Khi số ca mắc bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng đã giảm xuống thì người dân sẽ cân nhắc giữa vấn đề tai biến và tiêm chủng. Điều này có thể khiến tỷ lệ tiêm chủng giảm xuống và sau đó, tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm lại tăng lên”.
Quả thực, sau những vụ tai biến do tiêm chủng khiến hàng chục trẻ tử vong từ 2007 đến nay, có tình trạng nhiều người dân lo lắng và ngại đưa trẻ đi tiêm chủng. Ví như năm 2007, sau khi xảy ra một loạt phản ứng sau tiêm chủng nhiều bà mẹ hoang mang và không đưa trẻ đi tiêm chủng vắcxin viêm gan B. Hậu quả là tỉ lệ tiêm vắcxin viêm gan B cho trẻ 24 giờ sau sinh đã giảm mạnh, có năm chỉ đạt 20% số trẻ sơ sinh.
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định: “Không có vắcxin nào đảm bảo an toàn tuyệt đối, tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới thì cũng có tỷ lệ tai biến nhất định trong quá trình tiêm chủng. Không nên vì một số ca phản ứng nặng do cơ thể quá mẫn cảm với vắcxin (do cơ địa phản ứng với vắcxin chứ không phải do chất lượng vắcxin hoặc bất cẩn trong quá trình tiêm chủng) mà ngừng tiêm chủng để “đẩy” hàng chục triệu trẻ em, thậm chí cả thế hệ tương lai vào mối nguy mắc nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Hơn nữa, tỷ lệ tai biến liên quan đến vắcxin tại Việt Nam vẫn thấp hơn các nước. Đơn cử, tỉ lệ phản ứng nặng sau khi tiêm vắcxin viêm gan B tại Việt Nam là 0,5/1.000.000 ca, trong khi đó tỷ lệ do Tổ chức Y tế thế giới công bố là từ 1 - 2/1.000.000 ca”.
GS. TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, còn một vấn đề mà ông cũng rất lo lắng là những thành công của chương trình TCMR dễ dẫn đến tâm lý chủ quan cho rằng Việt Nam đã làm quá tốt về công tác tiêm chủng nên giảm sự quan tâm và đầu tư đối với hoạt động này. Đây là điều rất đáng lo ngại vì kinh phí dành cho TCMR còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu. Trong khi đó, nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam đang giảm dần và nhiều bệnh truyền nhiễm vẫn có nguy cơ quay trở lại.