ĐBSCL cất cánh từ tiềm năng, lợi thế - Bài 1: Tiềm năng và lợi thế

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lương thực, trái cây nhiệt đới… quan trọng nhất Việt Nam. Tuy nhiên, ở khu vực này vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi và tồn tại nghịch lý là tuy có nhiều lợi thế và tiềm năng nhưng trình độ dân trí và thu nhập bình quân đầu người lại thấp so với bình quân chung của cả nước.


 

Được thiên nhiên ưu đãi, khu vực ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội.

 

Với diện tích khoảng 40.000 km2 bao gồm 13 tỉnh, thành, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là dồi dào tiềm năng và có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của cả nước. Được thiên nhiên ưu đãi với những thế mạnh đặc trưng, ĐBSCL vẫn đang đợi bàn tay con người khai phá một cách hiệu quả nhất.


Nhờ phù sa thượng nguồn của sông Cửu Long bồi đắp, địa hình ĐBSCL tương đối thấp, bằng phẳng, nhiều sông rạch, phì nhiêu tạo điều kiện tối ưu phát triển mạnh về nông nghiệp. Theo số liệu khảo sát của ngành chức năng, dù tổng diện tích canh tác nông nghiệp chưa tới 1/3 của cả nước, nhưng đây là vựa lúa lớn nhất cả nước, chiếm hơn 50% sản lượng và đóng góp gần 90% vào kim ngạch xuất khẩu gạo.


“ĐBSCL có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất lúa gạo của cả nước và kết quả sản xuất lúa gạo ở khu vực này quyết định an ninh lương thực quốc gia cũng như khả năng duy trì vị trí số 2 về xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới. Hiện nay, tại ĐBSCL đã bắt đầu triển khai xây dựng vùng lúa chất lượng cao gắn với việc xây dựng thương hiệu”, Giáo sư Võ Tòng Xuân, người nhiều năm nghiên cứu về cây lúa ở ĐBSCL cho hay.


Tương tự, trái cây nhiệt đới cũng là thế mạnh của khu vực ĐBSCL. Hiện cả nước có khoảng 780.000 ha cây ăn quả, trong đó các tỉnh ĐBSCL chiếm gần 35% với nhiều loại trái cây đặc sản như: quýt hồng Đồng Tháp, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, khóm (dứa) Tân Phước, thanh long Chợ Gạo, bưởi da xanh Bến Tre... Tính toán của ngành nông nghiệp, với sản lượng hơn 3 triệu tấn trái cây/năm, các tỉnh ĐBSCL cung ứng đến hơn 70% lượng trái cây tiêu thụ cả nước và được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước. Chỉ tính tại tỉnh Tiền Giang, với gần 68.000 ha cây ăn quả, chiếm khoảng 10% diện tích cây ăn quả cả nước, mỗi năm đóng góp hơn 2.500 tỷ đồng cho kinh tế địa phương.


Tại Hội nghị giao ban Nuôi trồng thủy sản các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, nhiều đại biểu khẳng định, ngành thủy sản Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc và đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đặc biệt, sản lượng nuôi trồng của khu vực ĐBSCL chiếm 65% tổng sản lượng thủy sản nuôi của cả nước. “Nhờ tiềm năng lớn về phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn, ngành thủy sản ĐBSCL đang phát triển nhanh cả về diện tích, mức độ thâm canh. Chỉ tính riêng diện tích nuôi tôm của vùng đã chiếm hơn 91% diện tích nuôi tôm của cả nước. Những loại thủy sản khác phục vụ xuất khẩu như cá tra, cá basa… cũng chiếm tỷ lệ áp đảo”, Phó Tổng cục trưởng Cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền cho hay.


Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, Tổng cục Du lịch đã xác định ĐBSCL là 1 trong 7 vùng du lịch đặc trưng và có tiềm năng phát triển rất lớn. Nhờ những giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc sắc, lại được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông ngòi chằng chịt… tạo nên những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách. Theo các chuyên gia du lịch, với đặc trưng sông nước tại ĐBSCL, du lịch đường thủy đang hình thành những sản phẩm rõ nét. Cùng với đó, văn hóa đờn ca tài tử - di sản phi vật thể nổi bật của ĐBSCL và những lễ hội, du lịch văn hóa tâm linh, cũng như nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Nam bộ như: văn hóa Óc eo, Khmer… cũng là những điểm nhấn thu hút du khách.


“Thực tế nhiều tỉnh, thành như Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang…, du lịch đã phát triển giúp cho các địa phương có một nguồn thu không nhỏ. Ở nhiều tỉnh khác như Cà Mau, Bến Tre… cũng đang quy hoạch phát triển du lịch để thu hút du khách tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương”, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa

 

Bài 2: Lượng chất chưa tương xứng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN