Đất “an cư, lạc nghiệp” ở Tây Nguyên: Khai thác tài nguyên đất để phát triển

Tài nguyên đất đai là yếu tố quan trọng để Tây Nguyên trở thành một vùng sinh thái đặc thù có ưu thế lớn về nông nghiệp, thuận lợi để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng cũng như xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng theo hướng bền vững.


Tây Nguyên gồm các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng, có diện tích tự nhiên 54.474 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước, là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai.


Những kết quả bước đầu


Những năm qua, các tỉnh ở Tây Nguyên đã tập trung khai thác tương đối có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, thúc đẩy kinh tế, xã hội trong vùng từng bước phát triển.

 

Cà phê là cây trồng chủ lực ở vùng đất Tây Nguyên. Ảnh: Viêt Tôn

 
Trong sản xuất nông nghiệp, các tỉnh Tây Nguyên đã mở rộng diện tích và đầu tư thâm canh cây công nghiệp dài ngày có hiệu quả kinh tế cao và các loại cây phục vụ công nghiệp chế biến, mở rộng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh tạo ra khối lượng hàng hóa lớn có lợi thế cạnh tranh, hình thành một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây công nghiệp dài ngày chủ lực tăng mạnh cả về chất lượng và số lượng. Cụ thể, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã đưa diện tích cây cà phê tăng lên trên 561.534 ha, diện tích cao su toàn vùng cũng tăng lên trên 258.564 ha, diện tích tiêu đạt 32.374 ha.


Về lâm nghiệp, các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung trồng mới, khoanh nuôi, giao khoán bảo vệ rừng, kết hợp với khai thác lâm sản có mức độ, duy trì được tỷ lệ che phủ rừng ở mức tương đối (52,46%). Toàn vùng đã giao cho các tổ chức kinh tế, ban quản lý, lực lượng vũ trang và cá nhân quản lý, bảo vệ gần 2,2 triệu ha rừng và đã quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống lâm trường quốc doanh, thực hiện chính sách đóng cửa rừng, giảm đáng kể sản lượng gỗ khai thác hàng năm để bảo vệ tài nguyên rừng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về trồng mới 100.000 ha cao su, các tỉnh Tây Nguyên đã phê duyệt quy hoạch, triển khai các dự án chuyển đổi rừng nghèo, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cao su.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đất ở Tây Nguyên khá phong phú, được phân thành 11 nhóm chính, trong đó, tập trung hai nhóm có diện tích lớn, đó là nhóm đất xám (Acrisols) và nhóm đất đỏ (Ferrasols). Nhóm đất xám chiếm khoảng 45% diện tích tự nhiên của toàn vùng, nhóm đất đỏ, chủ yếu là đất bazan với khoảng 1,45 triệu ha. Tây Nguyên còn có hàng chục vạn ha đất đen, đất phù sa và nhiều nhóm đất khác thích hợp với nhiều loại cây trồng.


Cùng với sản xuất, các tỉnh Tây Nguyên còn tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề cấp bách về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn thông qua các Chương trình 168, 135, các chương trình mục tiêu quốc gia khác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.


Thông qua việc thực hiện Chương trình 132, 134… về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc thiểu số nghèo, các tỉnh Tây Nguyên đã giải quyết được 639 ha đất ở cho 15.470 hộ và 29.200 ha đất sản xuất cho hơn 56.000 hộ.


Giải pháp lâu dài


Quản lý, sử dụng đất hiệu quả gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ tạo những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của Tây Nguyên.


Để thực hiện được mục tiêu này, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đưa ra một số giải pháp cơ bản: Các bộ, ngành Trung ương cần tạo điều kiện, giúp các tỉnh Tây Nguyên tập trung quy hoạch sử dụng đất theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai và định hướng tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng khóa IX về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2001-2010. Tiếp tục đổi mới, nâng cao tính liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất theo hướng sử dụng hiệu quả đất đai. Điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp, nông thôn chi tiết cho phù hợp với yêu cầu mới.

 

Cụ thể như: Quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông lâm sản, quy hoạch bố trí dân cư nông thôn, quy hoạch ba loại rừng, rừng sản xuất, quy hoạch ngành, nghề nông thôn… phải phù hợp với điều chỉnh quy hoạch tổng thể kinh tế, xã hội của từng địa phương đến năm 2020, với đề án xây dựng nông thôn mới nhằm tạo cơ sở cho việc xác định phương hướng phát triển và chương trình, kế hoạch đầu tư hàng năm đạt hiệu quả cao. Các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy mạnh hơn nữa việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sản xuất (tổ chức, cá nhân) để tạo điều kiện khuyến khích đầu tư sản xuất, có chính sách tạo thuận lợi cho việc tích tụ và tập trung ruộng đất hợp lý để đẩy nhanh quá trình sản xuất hàng hóa với quy mô lớn.

 

Giải quyết đủ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn trên 30.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất, với diện tích cần giải quyết trên 17.000 ha) nhằm bảo đảm cho đồng bào sống được và làm chủ được trên mảnh đất của mình, từng bước giải quyết sự bất bình đẳng về sử dụng đất nông nghiệp giữa các bộ phận dân cư và giải quyết hài hòa giữa nhu cầu phát triển kinh tế địa phương với bảo đảm đất đai, ổn định sản xuất của dân cư tại chỗ.


Các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng cho cộng đồng, cho hộ gia đình để góp phần giảm áp lực về giải quyết đất sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân gắn bó với rừng, tạo công ăn việc làm thoát nghèo bền vững. Các tỉnh Tây Nguyên cũng tiếp tục sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh, các ban quản lý rừng phòng hộ theo Quyết định 115 của Thủ tướng Chính phủ.


Trên cơ sở đó, từng bước củng cố, đổi mới phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh của các nông, lâm trường, các ban quản lý phát triển bền vững, giữ vai trò là “bà đỡ” cho HTX, hộ nông dân trên địa bàn đơn vị đứng chân. Đẩy mạnh việc tổ chức liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp với nông dân trên cơ sở đôi bên cùng có lợi (người dân góp đất đai, công sức lao động, doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm) tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động.


Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên cũng huy động tốt hơn nữa mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn: Thủy lợi, giao thông, điện, thông tin liên lạc, cơ sở chế biến với quy mô phù hợp, xác định hướng đầu tư nhà nước cho nông nghiệp nông thôn theo thứ tự ưu tiên: Cơ sở hạ tầng, giống mới, khuyến nông, đào tạo, trợ cước, trợ giá... để tạo những điều kiện vững chắc cho người nông dân phát triển sản xuất theo đúng định hướng, đồng thời, tạo cơ sở để có thể thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế để góp phần thúc đẩy Tây Nguyên phát triển bền vững.



Quang Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN