Đào tạo nghề lao động DTTS còn hạn chế

Các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án trong Quyết định số 1956 được phê duyệt chung, không chia tách đối với đối tượng dân tộc thiểu số (DTTS). Vì vậy, chưa thể đánh giá riêng hiệu quả thực hiện đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng DTTS.


Đây là nhận định chung của các đại biểu tham gia Hội nghị để nghe các bộ, ngành liên quan báo cáo về “Việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng DTTS”, do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức, ngày 30/7/2013, tại Hà Nội.


Đào tạo nghề gặp khó


Theo báo cáo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), trong 3 năm (2010 - 2012) cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho hơn 1 triệu lao động nông thôn (đạt 77,7% kế hoạch của 3 năm đầu và bằng 16,64% kế hoạch thực hiện Đề án của cả 11 năm). Trong đó có 51 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ dạy nghề cho hơn 220.000 đồng bào dân tộc thiểu số (bằng 20,6% tổng số người được hỗ trợ học nghề của cả nước). Thống kê cho thấy, năm 2012 đã có 836.636 lao động DTTS được đào tạo nghề, tăng 57.934 người so với năm 2011. Nhiều địa phương vùng nông thôn, vùng DTTS đã chủ động bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực khác bằng và cao hơn so với nguồn ngân sách Trung ương, để hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn. Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, được chuyển nghề, có việc làm mới ngay tại địa phương.

Nghề may là một trong những nghề thu hút được nhiều lao động DTTS.
Anh Tuấn - TTXVN


Tuy nhiên, đại diện Bộ LĐ,TB&XH cũng cho biết, việc triển khai công tác dạy nghề cho lao động vùng nông thôn, vùng DTTS vừa qua vẫn còn rất nhiều hạn chế. Số lao động DTTS được đào tạo nghề rất thấp và đa số mới tham gia học nghề ngắn hạn. Số lao động DTTS học nghề trung cấp, cao đẳng nghề thấp, mới có hơn 70.000 người, chiếm gần 10% tổng số lao động DTTS được đào tạo nghề. Số thanh niên DTTS số học nghề nội trú thấp (936 người) và mới chỉ có 4 tỉnh thực hiện. Số lao động khu vực nông thôn vùng DTTS sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn đạt chỉ tiêu của Đề án (73,1%) nhưng thấp hơn bình quân cả nước 5,8%.

“Các địa phương cần xác định chỉ tiêu đào tạo lao động DTTS và có đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu này cũng như các đề xuất kiến nghị trong báo cáo sơ kết, tổng kết gửi Ban chỉ đạo thực hiện Đề án để tổng hợp”. Bà Nguyễn Thị Xuân Thu,
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT


Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, đa số lao động DTTS có trình độ học vấn thấp nên tham gia học nghề phi nông nghiệp còn hạn chế (chiếm tỉ lệ 13,96% trong tổng số lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp). Theo phân hóa cơ cấu lao động, thì lao động DTTS vẫn có mức thu nhập thấp nhất.

 

 


Chính sách ưu tiên chưa chi tiết


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, cho biết: Theo Luật Ngân sách nhà nước, kinh phí thực hiện Đề án được giao tổng mức cho các tỉnh, thành phố Trung ương; không tách riêng kinh phí cho lao động DTTS. Vì vậy, để đánh giá phần kinh phí cho lao động DTTS cần có báo cáo của các UBND cấp tỉnh về việc phân bổ cho nội dung này. Hiện tại, các chính sách ưu tiên đối với người học nghề là DTTS và vùng khó khăn được quy định trong đề án chưa được hướng dẫn chi tiết và lồng ghép với các chính sách khác đang thực hiện đối với vùng khó khăn và DTTS, nên còn khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.

Nâng cao hơn nữa vai trò của Ủy ban Dân tộc, cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước; giao cho Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các hoạt động của Đề án 1956 đối với người DTTS và vùng, địa phương có đông người DTTS.


Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Đề án 1956 vẫn chưa tách được riêng đào tạo nghề cho đối tượng lao động là DTTS. Bộ NN&PTNN đã chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH tổ chức xây dựng cơ chế, chính sách về xây dựng dạy nghề cho lao động nông thôn, phân bố kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn. Các đơn vị của Bộ NN&PTNN đánh giá nhu cầu, xây dựng kế hoạch gửi Bộ LĐ,TB&XH để tổng hợp chung, lên kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiện tại, vẫn chưa có một đánh giá cụ thể nào về việc đào tạo nghề cho lao động DTTS.


Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đánh giá, báo cáo của các bộ, ngành nhìn chung đã đi vào chi tiết. Trong đó có rất nhiều bộ, ngành đã thực hiện tốt công tác phối hợp, đào tạo nghề cho đối tượng lao động người DTTS như Bộ Quốc phòng. Tới đây, trong đợt kiểm tra giám sát tại các địa phương, Hội đồng Dân tộc sẽ yêu cầu các tỉnh tách đối tượng lao động DTTS ra để có chính sách đầu tư, đánh giá hiệu quả hơn. Ông cũng đề xuất nâng cao hơn nữa vai trò của Ủy ban Dân tộc, cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước; giao cho Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các hoạt động của Đề án 1956 đối với người DTTS và vùng, địa phương có đông người DTTS.


Phúc Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN