Dân Mỹ biểu tình đòi chấm dứt do thám

Khoảng 4.500 người biểu tình đã kéo về trước tòa nhà quốc hội Mỹ để phản đối Cơ quan An ninh Quốc gia tiến hành các chương trình do thám xâm phạm cuộc sống riêng tư của người dân, đồng thời yêu cầu phải có đạo luật mới hạn chế việc này.

Người biểu tình với các biểu ngữ phản đối tại Washington ngày 26/10.

Cuộc biểu tình đã chất thêm áp lực cho chính quyền Tổng thống Barack Obama vốn đang đau đầu tìm cách giải thích, xoa dịu cơn nóng giận của các đồng minh châu Âu bị Mỹ nghe lén.

 

“Ngừng theo dõi chúng tôi”


Cầm theo nhiều biểu ngữ “Ngừng theo dõi chúng tôi”, người biểu tình hô to những câu kiểu như “NSA phải ra đi”, “Chấm dứt chính phủ bí mật, chấm dứt do thám, chấm dứt lừa dối”. Người biểu tình cũng đã gửi quốc hội một thư kiến nghị trực tuyến có chữ ký của 575.000 người yêu cầu công khai toàn bộ quy mô các chương trình do thám của NSA.


Cuộc biểu tình hôm 26/10 nói trên do liên minh “Ngừng theo dõi chúng tôi” (Stop Watching Us) tổ chức. Liên minh này gồm khoảng 100 công ty, tổ chức ủng hộ quyền tự do như Hội tự do dân sự Mỹ, Hội biên giới điện tử, phong trào Chiếm lấy Phố Wall, đảng Tự do...


Không chỉ đòi công khai chương trình do thám của NSA, các nhóm biểu tình còn kêu gọi quốc hội cải cách Đạo luật Yêu nước - một đạo luật ra đời sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm tăng cường hoạt động thu thập thông tin tình báo chống khủng bố. Hiện nay, các nhóm biểu tình phản đối mạnh mẽ đạo luật này, cho rằng nó đã cho phép tình báo Mỹ “giăng lưới” đủ mọi loại thông tin.


Đây là lần đầu tiên mà dân Mỹ “góp tiếng nói” bảo vệ quyền tự do của họ kể từ khi cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ Edward Snowden tiết lộ về các chương trình theo dõi Internet trên quy mô lớn của NSA. Chương trình này luôn được chính Tổng thống Obama và nhiều nghị sĩ bảo vệ, coi nó là thứ quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc gia và hỗ trợ ngăn chặn các âm mưu khủng bố.


Đòn giáng vào chính sách đối ngoại của Mỹ


Tiết lộ mới nhất của Snowden về việc NSA đã nghe lén điện thoại của 35 nhà lãnh đạo thế giới đã gây ảnh hưởng nặng nề tới chính sách đối ngoại của Mỹ ở nhiều khu vực. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang có mặt ở Italy và Pháp để bàn vấn đề về Trung Đông hẳn là người cảm nhận điều đó rõ nhất khi ông phải đối mặt với cơn thịnh nộ của các nước có lãnh đạo bị Mỹ nghe lén.


Bà Madeleine Albright, Bộ trưởng Ngoại giao thời Tổng thống Bill Clinton, nhận định: Quan hệ ngoại giao được xây dựng dựa trên niềm tin. Nếu niềm tin đặt vào nước Mỹ bị nghi ngờ, nước Mỹ sẽ khó khăn hơn trong duy trì quan hệ đồng minh, giảm ảnh hưởng trên tầm thế giới và không thuận lợi trong ký kết các hiệp định thương mại. Trước mắt, những tiết lộ của Snowden có thể khiến các nước châu Âu có lợi trong thương lượng với Mỹ về hiệp định thương mại tự do.


Giám đốc Trung tâm Chính trị và Quan hệ Quốc tế thuộc trường Đại học Carnegie Mellon, bà Kiron Skinner, nhận định rằng các đồng minh của Mỹ sẽ không muốn cùng tham gia chống khủng bố với Mỹ nếu họ không thể tin tưởng vào sự lãnh đạo của Mỹ.


Đến nay, phần lớn những nước có lãnh đạo bị Mỹ nghe lén đều chưa có hành động đáp trả, tuy nhiên một số đã phản ứng mạnh. Pháp và Đức đòi Mỹ đến cuối năm 2013 phải có quy định mới chấm dứt hành động nghe lén lãnh đạo, công ty và công dân nước ngoài. Liên minh châu Âu cũng đã kêu gọi ngừng cho Mỹ quyền tiếp cận dữ liệu ngân hàng để phục vụ điều tra khủng bố. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff thậm chí đã hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ.

Tờ Bild and Sonntag của Đức dẫn nguồn tin là một quan chức cấp cao của NSA cho biết, bản thân Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được báo cáo về việc nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuy nhiên, ông Obama không ngăn chặn hành động này mà lại để nó tiếp tục. Trước đó, có báo lại nói rằng ông Obama không hay biết về việc bà Merkel bị tình báo Mỹ theo dõi.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN