Đảm bảo vốn các chương trình, dự án vùng dân tộc

Chăm lo, tạo điều kiện để nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc đã được cụ thể hóa bằng các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiệu quả của các chính sách này luôn bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu vốn.


“Căn bệnh mãn tính”


Việc thiếu vốn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chính sách dân tộc và miền núi thể hiện rõ ở việc thực hiện Quyết định 33/2013/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục hỗ trợ di dân định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015. Theo quyết định này, năm 2013, tổng kế hoạch vốn được giao là 950 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc năm 2013, số vốn ngân sách chỉ đạt hơn 30%, tương đương 367 tỷ đồng. Còn về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755/QĐ - TTg, tổng kế hoạch vốn trong năm 2013 là 1.350 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc năm, chính sách này không bố trí được một đồng vốn nào.

 

Do thiếu vốn, nên nhiều tuyến giao thông liên bản tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên không được thực hiện.


Bà Chung Thị Biển, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Thiếu vốn và chậm vốn là tình trạng chung của hầu hết các chính sách khi triển khai tại tỉnh. Một số chương trình, dự án như Quyết định 54 về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015 hay như Chương trình 135 về phát triển KT - XH các xã đặc biệt khó khăn cũng chưa được bổ sung vốn theo yêu cầu”.


Theo bà Biển, riêng đối với Quyết định 54, Ban Dân tộc đã phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội và các huyện thị trong tỉnh Bắc Kạn rà soát, đăng ký nhu cầu vay vốn giai đoạn 2013 - 2015 với tổng số hộ có nhu cầu là 4.731 hộ, kinh phí cho cả giai đoạn là hơn 37,8 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 1/2014 cũng mới chỉ có gần 2,27 tỷ đồng được giải ngân, tương ứng với 328 hộ được thụ hưởng, còn lại đang trong giai đoạn… chờ vốn, trong khi nhu cầu hỗ trợ vốn phát triển sản xuất theo quyết định này còn 4.403 hộ.


Đối với lĩnh vực xây dựng hạ tầng, khảo sát nhu cầu vốn của các xã vùng đặc biệt khó khăn trong năm 2013 cho thấy, mỗi xã cần khoảng 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng trong năm 2013, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (vốn của Chương trình 135 chuyển sang) chỉ đáp ứng được 1 tỷ đồng, tương đương với 1/5 nhu cầu. Trong giai đoạn năm 2013 - 2015, định mức vốn của Chương trình 135 cho các xã cũng chỉ được 1,5 tỷ đồng.


Theo thông tin của Ủy ban Dân tộc, tổng nhu cầu vốn để thực hiện các chính sách dân tộc năm 2014 vào khoảng 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số được phê duyệt chỉ khiêm tốn khoảng trên dưới 4.000 tỷ đồng, tương đương 33% nhu cầu vốn đề xuất.

Cần được quan tâm đúng mức


Trở lại với thực tế giải ngân vốn theo Quyết định 54 tại tỉnh Bắc Kạn, con số 2,27 tỷ đồng rõ ràng không thấm vào đâu so với tổng nhu cầu vốn cho giai đoạn 2013 - 2015 là 37,8 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu xét về thời gian, quyết định này chỉ có thời hạn trong 3 năm và năm nay đã bước sang năm thứ 2. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại do thiếu vốn nên hiệu quả của chính sách tín dụng đầy nhân văn này đã bị giảm đi rất nhiều nếu không muốn nói là hầu như không phát huy được hiệu quả.


Tìm hiểu gốc rễ của vấn đề, có thể thấy rằng căn nguyên của tình trạng trên là do từ trước tới nay, không có định mức ngân sách hằng năm phê duyệt cho ngành chức năng quản lý, xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc. Đây là một bất cập, đòi hỏi phải có sự nhìn nhận đúng đắn, điều chỉnh kịp thời nhằm cụ thể hóa nguồn lực dành cho lĩnh vực hết sức quan trọng này.


Vì rằng, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong mọi giai đoạn đều ưu tiên nguồn lực dành cho việc phát triển bền vững đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong khi các ngành như y tế, giáo dục, văn hóa… đều có nguồn lực được quy định cụ thể trong kế hoạch phân bổ ngân sách hằng năm để thực hiện, nhưng riêng nguồn lực chính sách dân tộc lại bị bỏ ngỏ?


Ông Hà Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: Để đảm bảo nguồn lực triển khai chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc đã kiến nghị với Quốc hội dành từ 3 - 5% tổng chi ngân sách hằng năm mới khắc phục được tình trạng thiếu vốn qua mỗi năm.


Như vậy, dù muộn nhưng trong những năm tới đây, Quốc hội nên xem xét, cân nhắc và thông qua nguồn lực dành cho việc thực hiện chính sách dân tộc của Nhà nước. Trước mắt, trong thời gian tới, giải pháp hữu hiệu nhất cho tình trạng thiếu vốn là phải lồng ghép các chính sách tại cơ sở để tập trung nguồn lực, đem lại hiệu quả tốt hơn trong việc nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.


Bài và ảnh: Minh Đức - Song Mạnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN