(Tin tức) - Hôm nay (11/11), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) khai mạc tại Hàn Quốc trong bối cảnh vấn đề tỷ giá và mất cân bằng thương mại vẫn đang là "những vấn đề nóng" trên thế giới.
Hội nghị doanh nghiệp G-20, nằm trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G-20, đã khai mạc ngày 10/11 tại thủ đô Xơun với sự tham dự của 120 lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Ảnh: THX/TTXVN |
Với chủ đề "Tăng trưởng chung sau khủng hoảng", Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần thứ 5 sẽ tập trung tìm kiếm các giải pháp để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế thế giới, giải quyết các bất đồng về tiền tệ, cải tổ các tổ chức tài chính như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)…
Theo nhận định của giới phân tích, chủ đề quan trọng nhất và cũng là thách thức lớn nhất đặt ra cho Hội nghị thượng đỉnh G-20 là cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề tỷ giá, khi mà các nước liên quan đều kiên định quan điểm riêng của mình và không có dấu hiệu chấp nhận thỏa hiệp. Cơ hội để đạt được một giải pháp có thể làm hài lòng tất cả các bên liên quan tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo G-20 (diễn ra ngày 13-14/11) là rất "mong manh", sau khi cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính G-20 ngày 10/11 chỉ nhất trí rằng các thành viên G-20 sẽ giữ thâm hụt hoặc thặng dư tài khoản vãng lai ở mức nhất định. Cách đây chưa lâu, Mỹ đã đưa ra đề xuất mức thâm hụt hoặc thặng dư tài khoản vãng lai ở 4% GDP, song một số thành viên "có tiếng nói lớn" trong G-20 như Trung Quốc, Nhật Bản và Đức lại không đồng ý với đề xuất này. Vì thế, giới phân tích cho rằng G-20 trong hội nghị lần này có thể sẽ đặt trọng trách giải quyết vấn đề tỷ giá lên vai IMF với hy vọng tổ chức tài chính quốc tế này sẽ đưa ra được những giải pháp khả thi.
Một số chuyên gia và nhà lãnh đạo tài chính có uy tín trên thế giới, với quan điểm tiền tệ chỉ là một mặt của tình trạng mất cân bằng thương mại, lại cho rằng Hội nghị thượng đỉnh G-20 không nên chỉ tập trung vào "cuộc chiến tỷ giá" hiện nay mà nên mở sang cả các khía cạnh khác như nhu cầu của các nền kinh tế… Theo ông Victor Fung, Chủ tịch danh dự Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), tiền tệ không phải là lời giải duy nhất cho bài toán mất cân bằng thương mại nên các nước vẫn có thể giải bài toán này mà không cần phải đổ ra cả tấn tiền. Yoon Deok-ryong, nhà nghiên cứu thuộc Viện chính sách kinh tế quốc tế của Hàn Quốc cũng cho rằng không nên chỉ xem xét tỷ giá ở khía cạnh thương mại mà cần phải phân tích cả chức năng của tiền tệ.
Bất đồng ngổn ngang, cơ hội giải quyết mong manh trong "cuộc chiến tỷ giá" và mất cân bằng thương mại, song Sohn Jie-ae, người phát ngôn của Ủy ban tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G-20 Hàn Quốc, vẫn hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết "ở một mức độ nào đó".
Bên cạnh "điểm nóng" tỷ giá, Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần này cũng sẽ tập trung vào chủ đề cải cách hệ thống giám sát tài chính toàn cầu nhằm ngăn chặn tái diễn khủng tài chính và cải cách IMF theo hướng tăng cường vai trò của các nền kinh tế mới nổi. Dư luận hi vọng Hội nghị sẽ ủng hộ thỏa thuận Basel III mới được ký kết về giám sát chặt chẽ hơn lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tăng cường giám sát, quản lý các tổ chức tài chính được cho là "lớn đến mức không thể để nó sụp đổ".
Nước chủ nhà Hàn Quốc cũng đưa vấn đề thành lập "Mạng lưới an ninh tài chính toàn cầu" vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G-20. Tổng thống Lee Myung-bak hy vọng các quốc gia sẽ thảo luận tích cực về việc thiết lập mạng lưới này.
Minh Dương (Tổng hợp)