(Tin tức) - Cam kết bắt đầu rút quân khỏi Ápganixtan từ tháng 7/2011 của Tổng thống Barack Obama đưa ra một năm trước nhiều khả năng sẽ không thể thực hiện được do những áp lực mạnh mẽ từ phe đối lập trong nước yêu cầu chính quyền tiếp tục giữ sự hiện diện của quân Mỹ tại đây. Trong khi đó, ngày 16/11, tờ McClatchy (Canađa) tiết lộ thông tin cho biết, chính quyền của Tổng thống Obama quyết định công khai từ bỏ thời hạn rút quân khỏi Ápganixtan, trái ngược với cam kết bắt đầu rút quân khỏi nước này kể từ 7/2011.
Trước đó, ngày 15/11, Thượng nghị sĩ John McCain của đảng Cộng hòa đã kêu gọi tổng thống Obama tiếp tục duy trì sự hiện diện của binh lính Mỹ tại Ápganixtan cho đến năm 2014. Ông McCain cũng cho biết thêm, trong cuộc gặp các lãnh đạo của NATO tại Lixbon vào ngày 19/11 tới, tổng thống Obama sẽ đưa ra một tuyên bố hết sức mạnh mẽ rằng nước Mỹ sẽ làm mọi cái để giành chiến thắng. Việc rút quân vào giữa năm 2011 là đúng ở vào một thời điểm nào đó, nhưng năm 2014 mới thực sự là năm Mỹ chính thức rút quân tại đây. Các nhà phân tích cũng cho rằng, trong cuộc gặp tại Lixbon sắp tới, tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo NATO nhiều khả năng sẽ chính thức đạt được thống nhất về kế hoạch chuyển giao quyền kiểm soát an ninh Ápganixtan cho lực lượng an ninh Ápganixtan bắt đầu từ năm 2014.
Chuyên gia nghiên cứu về châu Á của Quỹ Heritage, Lisa Curtis nhận định, trong khi muốn tiếp tục thực hiện lịch trình rút quân khỏi Ápganixtan đã được cam kết trước đó, chính quyền của Tổng thống Obama cũng không quên nhấn mạnh rằng cần phải có sự "linh hoạt" để việc chuyển giao có hiệu quả. Thời gian rút quân cần phải căn cứ vào điều kiện tình hình thực tế, khi mà liên quân và chính quyền Ápganixtan đang phải đối mặt với các cuộc tấn công quyết liệt và dai dẳng của phiến quân Taliban. Theo bà Stephanie Sanok, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp về các vấn đề an ninh thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, bắt đầu rút quân vào giữa năm 2011 là "một mục tiêu hợp lý ở thời điểm một năm trước", song tình hình đã thay đổi nhanh chóng không giống như những gì chính quyền của Tổng thống Obama mong đợi. Các nhà quan sát nhận định, ngay cả khi nhiệm vụ chiến đấu bắt đầu kết thúc vào năm 2014 thì sự hiện diện của binh lính Mỹ ở Ápganixtan sẽ vẫn tiếp tục được duy trì, giống như cuộc chiến ở Irắc.
Các nhà phân tích cũng đưa ra nhận định, Mỹ và NATO tiếp tục duy trì sự có mặt của mình tại Ápganixtan xuất phát từ việc cả hai đang thu được lợi lớn từ cuộc chiến này và đều không muốn từ bỏ. Mỹ và NATO đều đã tìm được cách đưa quân đội vào trung tâm lục địa Âu-Á trong một thời gian dài. Họ đang xây dựng một mạng lưới căn cứ và quan hệ đối tác quân sự quốc tế để phục vụ cuộc chiến tại Ápganixtan. Cuộc chiến Ápganixtan đang tạo cho Mỹ và NATO những cơ hội chưa từng có để mở rộng tầm với quân sự của họ trên toàn thế giới.
Trước đó, dấu hiệu về việc Mỹ và NATO tiếp tục kéo dài sự hiện diện của mình tại Ápganixtan liên tục xuất hiện. Ngày 25/10, phát biểu tại trường Đại học Concordia tại Montreal (Canađa), Thư ký Hội đồng NATO Edmund Whiteside đã nói rằng "cuộc chiến tranh tại Ápganixtan, sự can dự quân sự lâu nhất trong cả lịch sử Canađa và Mỹ, sẽ tiếp tục trong một thời gian rất dài". Ngày 8/11, người phát ngôn của Lực lượng trợ giúp an ninh quốc tế do NATO lãnh đạo, tướng Josef Blotz khẳng định: "Chưa có thời gian biểu cho việc rút quân liên minh khỏi Ápganixtan". Ngày 11/11, Thủ tướng Canađa Stephen Harper cũng nói bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc rằng ông đã quyết định giữ quân tại Ápganixtan để tham gia công tác huấn luyện sau khi sứ mạng chiến đấu của Canađa kết thúc vào năm 2011.
Lê Hải (tổng hợp)