Công trình Nobel Kinh tế 2011 không phải là "lá bùa" cho nợ công châu Âu

Giải Nobel Kinh tế 2011 đã thuộc về hai nhà kinh tế học người Mỹ là Thomas John Sargent và Christopher Albert Sims (ảnh) nhờ những nghiên cứu của họ về mối quan hệ nhân quả trong kinh tế vĩ mô. Công trình nghiên cứu này được đánh giá là đặt nền móng cho lĩnh vực phân tích kinh tế vĩ mô hiện đại, song hai người chiến thắng đều thừa nhận những nghiên cứu của họ không thể góp phần giải quyết ngay được cuộc khủng hoảng nợ công đang ngày càng xấu đi của châu Âu.



Theo đánh giá của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, giáo sư Sargent và Sims đã phát triển được các phương pháp để lý giải những vấn đề liên quan đến mối quan hệ nhân quả giữa chính sách kinh tế và các yếu tố kinh tế vĩ mô khác như GDP, lạm phát, thất nghiệp và đầu tư. Các phương pháp của hai ông được đánh giá là những công cụ không thể thiếu trong việc phân tích kinh tế vĩ mô, giúp giải thích các nhân tố như GDP, lạm phát bị ảnh hưởng như thế nào trong trường hợp cắt giảm thuế hoặc lãi suất tăng tạm thời.

Giáo sư Sargent đã chứng minh rằng việc các phương pháp nghiên cứu toàn diện cấu trúc nền kinh tế của một quốc gia có thể được ứng dụng để phân tích những ứng dụng trong chính sách kinh tế. Phương pháp này có thể được dùng để nghiên cứu những mối quan hệ của kinh tế vĩ mô khi các cá nhân kinh doanh hoặc các doanh nghiệp điều chỉnh kỳ vọng của họ đồng thời với các chính sách của chính phủ. Ông đã nghiên cứu các nền kinh tế thế giới thời kỳ sau Thế chiến thứ hai khi nhiều người lúc đầu định thực hiện chính sách lạm phát cao nhưng cuối cùng phải đưa ra những thay đổi mang tính hệ thống vào chính sách kinh tế và chuyển sang chính sách lạm phát thấp.

Còn Giáo sư Sims phát triển các công cụ thống kê, được gọi là véctơ tự động hồi quy, để phân tích nền kinh tế bị ảnh hưởng như thế nào bởi những thay đổi tạm thời trong chính sách kinh tế vĩ mô và các nhân tố khác. Ông và các nhà nghiên cứu khác đã ứng dụng phương pháp này để phân tích tác động của chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế.

Các nghiên cứu của Sargent và Sims được thực hiện độc lập từ những năm 70 và 80 của thế kỷ 20, dựa trên những dữ liệu trong quá khứ, song đóng góp của họ mang tính bổ sung lẫn nhau. Ông Sims (sinh năm 1942) hiện là giáo sư cấp cao giảng dạy bộ môn kinh tế và ngân hàng tại Đại học Princeton. Còn ông Sargent (sinh năm 1943) là giáo sư chuyên về kinh tế vĩ mô và tiền tệ tại Đại học Niu Yoóc. Với việc giành giải Nobel Kinh tế 2011, hai ông sẽ chia nhau giải thưởng trị giá khoảng 1,4 triệu USD.

Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo sau lễ công bố giải, ông Sims nói rằng các công trình mà ông và giáo sư Sargent nghiên cứu độc lập nhằm đánh giá tác động của những thay đổi chính sách và các cú sốc đối với hệ thống kinh tế không đem lại những giải pháp "ngay lập tức" giúp giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu, cụ thể là cơn bão nợ công hiện nay của khu vực đồng euro (Eurozone). Theo ông Sims, Eurozone nên thiết lập một liên minh tài chính để tránh sự sụp đổ của đồng tiền chung. Ông nhấn mạnh: "Nếu Eurozone qua khỏi được, khu vực này sẽ phải đưa ra cách thức chia sẻ gánh nặng tài chính". Ông Sargent cũng có ý kiến tương tự khi nhấn mạnh các nghiên của hai ông không mang lại "giải pháp nhanh và đơn giản" cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.


TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN