Chuyện người mang 'quân hàm xanh' đi cắm bản - Bài cuối: 'Con nuôi của Đồn' nâng bước em tới trường

Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, mô hình “Con nuôi của Đồn biên phòng” được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện từ năm 2014, nhiều học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa đã có điều kiện tới trường học con chữ. Bộ đội Biên phòng trở thành người cha, người mẹ dành tình yêu thương “mẫu tử” chăm sóc cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ.

Ươm mầm nơi rừng xanh

Chú thích ảnh
Cán bộ Biên phòng mang tình cảm đến với trẻ em nơi biên ải xa xôi.

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, tiếp tục thực hiện chương trình "Nâng bước em tới trường", Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận đỡ đầu, giúp đỡ 61 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập với số tiền 500.000 đồng/cháu/tháng. Thực hiện mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, hiện nay đã có 3 Đồn Biên phòng đón 7 cháu về nuôi (Đồn Biên phòng Thu Lũm nuôi 3 cháu, Đồn Biên phòng Ka Lăng nuôi 2 cháu, Đồn Biên phòng Pa Ủ nuôi 2 cháu). Các phòng, ban cơ quan Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu và các Đồn Biên phòng không trực tiếp nhận nuôi các cháu sẽ đóng góp kinh phí để hỗ trợ.
      
Chuyện về Đại tá Phan Hồng Minh tổ chức đấu giá từng giỏ phong lan và bỏ riêng chế độ hội họp để lập sổ tiết kiệm cho em Tẩn Tả Mẩy ở đây ai cũng biết. Tả Mẩy là người dân tộc Dao ở bản Tả Phùng, xã biên giới Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ (Lai Châu), sinh ra đã hết sức khó khăn vì có bố mẹ mắc bệnh tâm thần. Năm 2015, Mẩy lên 9 tuổi, học lớp 3 thì mắt bên trái của em bị hoại tử. Thấy hoàn cảnh của Mẩy như vậy, cô giáo đã liên hệ với anh Minh nhờ giúp đỡ.
      
Đại tá Phan Hồng Minh lên tận Tả Phùng đón Mẩy về Hà Nội chữa trị mắt, nhưng do muộn nên mắt trái của em không thấy được ánh sáng. Sức khỏe bình phục, Mẩy được bố Minh xin về Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu. Ngoài ra, anh còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để lực lượng Biên phòng giúp làm nhà kiên cố cho bố mẹ Mẩy ở bản Tả Phùng.
      
Biết được hoàn cảnh của Mẩy, một trung tâm bảo trợ xã hội ở Hà Nội đã lên Lai Châu xin đưa Mẩy về chăm sóc. Khi có dịp đi công tác ở Hà Nội, anh Minh đến thăm Mẩy. Khi anh Minh ra về, Mẩy đã ôm anh và khóc, không cầm lòng được nên anh xin đưa Mẩy về lại Lai Châu. Theo đó, cứ lúc nào rảnh, anh Minh lại xuống Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu để thăm Mẩy. Bên cạnh đó, mỗi khi chăm sóc được giỏ phong lan đẹp, anh lại mang bán lấy tiền gửi vào sổ tiết kiệm cho Mẩy và tích góp từng trăm nghìn chế độ hội họp để riêng, đưa xuống nhờ cô, chú ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh chăm sóc cho con gái.
      
Ngoài trường hợp của Mẩy, Đại tá Phan Hồng Minh còn nhận đỡ đầu cho hai cháu ở xã biên giới Dào San (huyện Phong Thổ) từ lúc học lớp 4, với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/cháu/tháng. Các cháu giờ đã lên lớp 8. “Mỗi lần đến thăm các cháu mình nhận đỡ đầu, thấy nó khôn lớn từng ngày, trong lòng mình thấy vui và hạnh phúc”, Đại tá Phan Hồng Minh tâm sự.
      
Vừa làm bố vừa là mẹ

Chú thích ảnh
Em Vàng Lò Hừ ở bản Xà Hồ, Ky Hừ Đư ở bản Pa Ủ, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) học sinh lớp 4, mồ côi cả cha và mẹ được Bộ độ Biên phòng nhận về nuôi ăn học. 

Sau gần một ngày đi ô tô từ thành phố Lai Châu, chúng tôi đã có mặt tại Tổ công tác Biên phòng ở bản Mu Chi, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè. Thiếu úy Sùng A Phú (Tổ công tác Biên phòng Mu Chi, Đồn Biên phòng Pa Ủ) niềm nở đón chúng tôi và sau đó xin phép lên trường cho kịp đón “2 em nuôi” người La Hủ về. Đó là các em Vàng Lò Hừ ở bản Xà Hồ, Ky Hừ Đư ở bản Pa Ủ, đều 10 tuổi, học sinh lớp 4, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Các em được Đồn Biên phòng Pa Ủ nhận về nuôi ăn học từ tháng 9/2019.

Thường nhật, các chiến sĩ lo bữa sáng cho 2 em, rồi chở các em lên trường để học. Các em ăn nghỉ bán trú vào buổi trưa tại trường, đến chiều thì các chiến sĩ đón về Tổ công tác.
      
Các thầy giáo, cô giáo ở trường học của Hừ và Đư khen học lực của 2 em được Bộ đội Biên phòng nuôi rất tốt, luôn đứng đầu lớp; đặc biệt là em Vàng Lò Hừ đọc bài tốt nhất so với các bạn trong lớp.

Thầy Hà Ánh Hùng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ, chia sẻ: Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, rất nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các em được Bộ đội Biên phòng nhận nuôi đã tiếp thêm nghị lực tới trường học chữ. Hành động này có ý nghĩa nhân văn, chúng tôi mong muốn sẽ có thêm sự giúp đỡ như vậy để các em ở đây được đi học đầy đủ, thực hiện ước mơ.
      
Ở Tổ công tác biên phòng giờ đây, ngoài màu xanh áo lính còn có cả các học sinh đồng bào La Hủ. Từ khi được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ nhận “Con nuôi của Đồn” chăm sóc chu đáo, cả Hừ và Đư đều có một mái ấm trọn vẹn, đủ đầy yêu thương.

“Các cháu ở đồng bào vùng sâu, vùng xa nên không được tiếp xúc nhiều, tiếng phổ thông cũng còn hạn chế. Sau khi dạy các cháu, làm một số công việc thì các cháu cũng dần quen và tiến bộ. Chúng tôi là một gia đình”, Thiếu úy Sùng A Phú cho hay.
         
Sáng hôm sau, ăn sáng nhanh gọn, Hừ và Đư cầm giỏ lan có mấy mầm xanh lễ phép chào chúng tôi, rồi lên xe của Thiếu úy Sùng A Hồ đi học chữ. Chúng tôi chào các chiến sĩ “quân hàm xanh” Tổ công tác Biên phòng Mu Chi để xuống núi. Xe đổ đèo quanh co, tiết trời thu vùng biên se lạnh nhưng trong lòng ấm áp tình đất, tình người nơi biên ải.

Bài và ảnh: Việt Hoàng (TTXVN)
Chuyện người mang 'quân hàm xanh' đi cắm bản - Bài 4: Cột mốc trong sân nhà
Chuyện người mang 'quân hàm xanh' đi cắm bản - Bài 4: Cột mốc trong sân nhà

Trên dặm dài biên ải xa xôi, hiểm trở, các chiến sĩ Biên phòng không chỉ độc hành thực hiện nhiệm vụ mà có tình thương yêu đùm bọc của đồng bào các dân tộc. Mỗi người dân sinh sống sát biên giới chính là đôi mắt, cánh tay nối dài cùng lực lượng Biên phòng bảo vệ vững chắc từng tấc đất, cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.    

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN