Ngày 12/7, hai nhà du hành người Mỹ đã hoàn tất chuyến đi bộ cuối cùng trong khoảng không vũ trụ trong khuôn khổ chương trình tàu con thoi của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) kéo dài 3 thập kỷ qua.
Hai phi hành gia Ron Garan và Mike Fossum. Ảnh: Internet |
Đây là chuyến đi bộ duy nhất nằm trong kế hoạch dự kiến của lần phóng tàu con thoi Atlantis lần cuối cùng sau khi con tàu này "đổ bộ" lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) cuối tuần trước. Tàu Atlantis vừa được phóng lên quỹ đạo ngày 8/7 từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida của Mỹ, mang theo 4 nhà du hành vũ trụ thực hiện sứ mệnh kéo dài 13 ngày trên ISS.
Theo Trung tâm điều khiển tại thành phố Houston ở bang Texas, lần bước ra ngoài khoảng không mới nhất và cũng là cuối cùng của hai phi hành gia Ron Garan và Mike Fossum là chuyến đi bộ trong không gian lần thứ 249 của các nhà du hành Mỹ từ trước đến nay. Tổng cộng các nhà du hành Mỹ đã trải qua 1.099 giờ và 9 phút bay lơ lửng trong vũ trụ để thực hiện các công việc lắp đặt, bảo dưỡng và sửa chữa ISS.
Hai nhà du hành Garan và Fossum -những người có mặt trên ISS từ trước- đã trải qua khoảng 6 tiếng rưỡi bên ngoài trạm để thực hiện công việc sửa chữa và bảo dưỡng định kỳ gồm tháo dỡ một máy bơm khí amôniắc (amoniac) bị hỏng và lắp đặt một rôbốt tiếp nhiên liệu và sửa chữa các vệ tinh ở bên ngoài trạm vũ trụ. Bốn phi hành gia trên tàu con thoi Atlantis phụ giúp trong chuyến đi bộ này.
Tháng 6/2008, hai nhà du hành này đã từng 3 lần cùng nhau bước ra ngoài khoảng không vũ trụ để thực hiện việc tiếp tế cho phòng thí nghiệm Kibo của Nhật Bản đặt trên trạm ISS.
Trong chuyến bay vào vũ trụ lần thứ 135 và cũng là lần cuối sau hơn 30 năm hoạt động của đội tàu con thoi Mỹ, tàu Atlantis có nhiệm vụ chuyển giao hơn 4 tấn phụ tùng thay thế, trang thiết bị, lương thực và những đồ tiếp liệu khác để giúp ISS có thể hoạt động đến năm 2012. Sau khi trở về Trái Đất dự kiến vào tuần tới, tàu Atlantis sẽ chính thức nghỉ hưu.
Hơn 30 năm qua, Atlantis và các "đồng nghiệp" trong đội tàu con thoi của Mỹ đã thực hiện các nhiệm vụ phức tạp của chương trình phóng tàu vũ trụ có người lái do NASA trực tiếp chỉ đạo để đưa các nhà khoa học lên vũ trụ. Đội tàu này đóng vai trò chủ yếu trong việc xây dựng và vận hành ISS cũng như thực hiện các sứ mệnh quan trọng khác.
Lịch sử đội tàu con thoi Mỹ từng chứng kiến hai tàu con thoi bị phá hủy trong lúc thực hiện sứ mệnh. Năm 1986, tàu Challenger đã bị nổ chỉ ít phút sau khi rời bệ phóng và 7 năm sau (năm 2003), đến lượt tàu Columbia gặp nạn trên đường trở về Trái Đất. Các thảm họa này đã cướp đi sinh mạng của 14 phi hành gia. Sắp tới, bốn tàu con thoi còn lại gồm Discovery, Endeavour, Atlantis và con tàu đầu tiên là Enterprise sẽ được đưa vào các viện bảo tàng ở nhiều bang trên nước Mỹ.
Sau khi đội tàu con thoi Mỹ ngừng hoạt động, việc đưa các nhà du hành vũ trụ Mỹ lên không gian sẽ do tàu con thoi của Nga thực hiện. Các hỏa tiễn chở hàng của Nga, châu Âu và Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay tiếp tế và đổ chất thải cho ISS.
TTXVN/Tin tức