Sau 5 năm triển khai Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn 3.274 thôn, bản đặc biệt khó khăn của 1.946 xã của 50 tỉnh, thành trong cả nước; nguồn vốn bố trí đã đạt con số 14.025,25 tỷ đồng, trong đó định mức đầu tư các dự án thành phần tăng mỗi năm.
Bản làng ở Mường Nhé (Điện Biên) no ấm nhờ Chương trình 135 giai đoạn II. |
Về cơ bản đã góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn và miền núi đặc biệt khó khăn, tuy nhiên, vẫn còn nhiều mục tiêu quan trọng của chương trình chưa hoàn thành... Đó là nhận định vừa được đưa ra trong Hội thảo công bố đánh giá tác động của chương trình qua hai cuộc điều tra cơ bản đầu kỳ và cuối kỳ do Ủy ban Dân tộc và UNDP vừa tổ chức.
Kết quả điều tra cho thấy: Tỷ lệ hộ nghèo ở nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) giảm được 8% (từ 57,2% năm 2007 xuống 49,2%) trong năm qua. Các nhóm dân tộc Nùng, Mông, Tày là những nhóm DTTS giảm nghèo nhanh nhất, từ 83,5% năm 2007, xuống 59,2% năm 2012. Một trong những thay đổi quan trọng nhất mà chương trình mang lại chính là nâng cao mức sống của các hộ gia đình được thụ hưởng, đặc biệt là các hộ DTTS. Thu nhập của các hộ đã tăng lên khoảng 20% sau 5 năm thực hiện chương trình. Ngoài ra, một loạt các tiêu chí về sinh hoạt như điều kiện nhà ở, tình hình sử dụng nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn đã được cải thiện. Tỷ lệ các hộ được sử dụng điện đã tăng từ 68,6% năm 2007 lên 83,% năm 2012. Khoảng 70,9% các hộ có ít nhất 1 điện thoại trong năm 2012. Gần 70% các hộ có ti vi. Tỷ lệ các hộ có xe máy đã tăng từ 43,8% lên 66,2%.
Tuy nhiên, mục tiêu nâng công trình thủy lợi mới chỉ đạt 70% thay vì 80% như trong kế hoạch. Ngoài ra, các mục tiêu khác như tỷ lệ bao phủ của điện, đường, trường, trạm, nước sạch… và tỷ lệ trẻ em tới trường tại các vùng đặc biệt khó khăn chỉ đạt 70 - 80% so với kế hoạch. Kết quả 2 cuộc điều tra này cũng cho thấy, mục tiêu đưa 100% xã làm chủ đầu tư ở các công trình dự án không đạt được. Tuy nhiên, số lượng công trình dự án do xã làm chủ đầu tư hiện cũng đã tăng gấp đôi so với trước đây.
Tin, ảnh: Trọng Thủy