Thời gian qua, các vườn cây có múi, đặc biệt là tại các vườn bưởi xuất hiện một loại sâu đục trái tấn công vào trái bưởi từ thời điểm sau khi đậu trái cho đến khi thu hoạch, gây thiệt hại lớn đối với các nhà vườn trồng bưởi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Sâu tấn công mạnh
Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, diện tích trồng cây có múi tại khu vực ĐBSCL đạt 76.000 ha, tập trung ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Cho đến thời điểm này, toàn khu vực có khoảng 8.000 ha nhiễm sâu đục trái. Trong đó, tỉnh Bến Tre có diện tích trồng cây có múi lớn nhất, đặc biệt là cây bưởi, hiện Bến Tre có 717 ha bị thiệt hại, trong đó nhiễm nhẹ 343 ha; trung bình 299 ha và nhiễm nặng 75 ha.
Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh, Phó trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam chia sẻ, bệnh nấm hồng mà người ta thường gọi thực chất là sự tấn công các loại trái của cây có múi là sâu đục trái, sinh ra từ một loại ngài có tên gọi là Citrispestis. Loại ngài này xuất hiện từ năm 2011 cho đến nay trong những vườn cây có múi như bưởi, cam sành, quýt hồng ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Đồng Tháp…
Con ngài hoạt động chủ yếu vào ban đêm và những nơi tối, đẻ trứng trên vỏ trái có múi (bưởi, cam) sau khi đậu trái 15 ngày. Giai đoạn trứng phát triển từ 5 - 6 ngày, sau đó chuyển thành ấu trùng, thời gian phát triển từ 18 - 20 ngày. Trong giai đoạn ấu trùng, con sâu chia thành 3 giai đoạn phát triển thành 3 màu sắc khác nhau, lúc còn ấu trùng non sâu có màu trắng vàng, giai đoạn ấu trùng giữa, cũng là giai đoạn phá hoại mạnh nhất, sâu có màu hồng, đến giai đoạn nhộng, chỉ còn một nốt đỏ ngay cổ nhộng. Sau khi hóa nhộng, nhộng sống trong 6 - 10 ngày sẽ chuyển thành ngài và bay ra. Những lỗ đục này cũng tạo điều kiện cho ruồi đục trái, các loại nấm bệnh xâm nhập vào trái, gây hư hại lớn.
Hội thảo phòng sâu đục trái.Ảnh: CTV |
Ban đầu, nông dân nhầm lẫn giữa con sâu đục vỏ bưởi (Praysp) và sâu đục trái bưởi. Thực chất, sâu đục trái nguy hiểm hơn sâu đục vỏ nhiều lần. Vì sâu đục vỏ chỉ đi vào phần vỏ, nằm ở đó chứ không đi sâu vào phần ruột, còn sâu đục trái tấn công trái từ nhỏ cho đến bắt đầu thu hoạch, làm thối rửa cùi trắng của trái bưởi, cam, quýt, hư phần cơm bên trong và trái không ăn được.
Loại sâu này xuất hiện một phần cũng do tập quán canh tác của nông dân, mỗi loài côn trùng đều có vòng đời phát triển và tự tiêu diệt. Nếu không có thức ăn trong một thời gian đủ dài thì ấu trùng của chúng sẽ mất dần do con ngài trưởng thành không đủ thức ăn để sinh sản. Thế nhưng, người nông dân để trái quanh năm, không thu hoạch dứt điểm, phơi vườn, chấm dứt vòng đời sinh sản và phát triển của các loại sâu hại trái. Mặt khác, trong lúc để trái thu hoạch liên tục, nông dân phun xịt thuốc trừ bệnh, kháng nấm đã vô tình diệt đi những loài thiên địch có lợi cho cây ăn trái, làm cho sâu bệnh không còn đối tượng tiêu diệt chúng, chúng có thể phát triển mạnh và lây lan với tốc độ nhanh hơn do thuận lợi trong sinh sản.
Hiện nay, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đã làm các thí nghiệm bảo vệ trái bưởi. Ngoài biện pháp bao trái, quét vôi trên thân cây, một số nhà vườn lắp thí nghiệm một lồng lưới đèn led tím, đèn màu các loại để dẫn dụ côn trùng và sâu Citrispestris, tiêu diệt ngay tại lồng. Nhưng đến nay, những con côn trùng sa đèn và lọt lưới cũng chỉ là loài bọ trĩ chứ không phải con ngài Citrispestris.
Trước sự phát triển của loài sâu đục trái, ông Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam chia sẻ, hiện nay sâu đục trái đang tấn công mạnh vào các vườn cây có múi, đặc biệt là các vườn bưởi gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Những vườn chăm sóc tốt thì thiệt hại từ 30 - 40%, còn những vườn thiếu kĩ thuật chăm sóc có thể thiệt hại lên 70%, thậm chí bị mất trắng.
Viện đang thực hiện đề tài nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân, cách phòng ngừa tạm thời và cũng chỉ thực hiện cầm chừng, vì kinh phí quá lớn. Biện pháp tạm thời hiện nay là khuyến khích nông dân thực hiện bao trái sau 15 ngày đậu trái, quét vôi lên toàn thân cây, phun xịt diệt trứng sâu trên vỏ trái. Tuy sự kết hợp phòng chống này được thực hiện cùng lúc cho hiệu quả hơn, nhưng vẫn chưa diệt dứt điểm loại sâu này. Cũng theo ông Châu, trái bưởi là một trong những loại trái cho giá trị kinh tế cao và xuất khẩu nhiều sang châu Âu, vì vậy, việc tìm biện pháp bảo vệ các vườn bưởi khỏi loại sâu này là việc làm rất quan trọng, vừa mang lại kinh tế cho nông dân, vừa mang lại hiệu quả cho xuất khẩu.
Tương tự các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp cũng có tình trạng nhiễm loại sâu này, nhưng mật độ ít hơn. Theo ông Phạm Văn Tâm, Quyền trưởng trạm khuyến nông huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, huyện có hơn 100 ha trồng bưởi và cam. Kể từ tháng 2/2013 sâu trục trái bưởi xuất hiện và lan rộng trên 26 ha. Cho đến thời điểm này, loại sâu này chỉ mới gây thiệt hại nhẹ trên cây bưởi của huyện. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp phòng chống sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất cây bưởi, gây thiệt hại kinh tế cho nông dân trồng bưởi. Hiện phòng nông nghiệp cũng chưa tìm được biện pháp nào hiệu quả hơn việc bao trái bưởi để bảo vệ trái. Thế nhưng, có những vườn đến gần kì thu hoạch, lại bị sâu phá hoại do bao mỏng và bám sát vào vỏ bưởi nên sâu cũng dễ dàng đẻ trứng và ăn sâu vào trong trái bưởi, làm thối trái.
Thiệt hại từ 10 - 50% sản lượng
Con ngài Citrispestris xuất hiện khá lâu vì nông dân chủ quan và tập tính canh tác kéo dài, không giãn mùa đã làm cho vòng đời con ngài phát triển. Từ đó, chúng tấn công liên tục vào các vườn cây có múi, gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn, đặc biệt là các vườn bưởi da xanh tại Bến Tre.
Anh Nguyễn Đức Huy, ấp Mỹ Thạnh, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, Tiền Giang trồng 9.000 m2 bưởi lông cổ cò từ 10 năm nay. Trong những năm qua, anh thu hoạch được 3 tấn bưởi/năm. Tuy nhiên, từ tháng 8/2012 đến nay, vườn xuất hiện một loại sâu đục trái, làm năng suất vườn bưởi giảm hẳn. Dù anh chăm sóc vườn bưởi theo hướng dẫn của Viện nghiên cứu cây ăn trái miền Nam như bao bọc trái từ khi vừa thụ phấn được 15 ngày, phun xịt thuốc trừ sâu định kì nhưng vẫn không lấy lại năng suất như trước kia. Trước tình hình sâu bệnh, vườn bưởi nhà anh giảm năng suất từ 30 - 40%, tương đương 1 tấn bưởi, thiệt hại khoảng 20 triệu đồng trong mỗi vụ.
Nếu cây bưởi lông cổ cò cho giá trị kinh tế cao thì cây bưởi da xanh còn cho giá trị kinh tế cao gấp 3 lần loại bưởi này. Ông Trịnh Ngọc Trung, Tổ trưởng Tổ hợp tác bưởi da xanh Phú Thành, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, toàn tổ hợp tác có 34 hội viên sản xuất bưởi da xanh trên diện tích 21 ha. Trong đó có 18 hộ đăng kí sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 8,5 ha. Ước tính, mỗi năm, tổ hợp tác cho sản lượng 120 tấn với giá bình quân 45.000 đồng/kg. Cây bưởi là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hội viên ở đây. Hiện nay, với giá 60.000 đồng/kg bưởi, nông dân trồng bưởi thu siêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của sâu đục trái đã làm năng suất bưởi da xanh giảm từ 30 - 50% kể từ tháng 6/2012. Nếu vườn nào chăm sóc tốt thì chỉ thiệt hại 10%, vườn chăm sóc không tốt, không đúng kỹ thuật thì mức thiệt hại từ 50 - 70%. Loại sâu đục trái này phát triển ngày càng tăng. Các nhà vườn cũng đã học tập kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu. Được biết, sâu này không có khả năng đẻ trứng sâu vào trái bưởi, nhưng khi đẻ trứng, chúng tiết một chất làm mềm nhũn phần vỏ bưởi, sau đó ấu trùng sâu mới đi vào phần ruột bưởi phá hoại.
Ông Trung cho biết thêm, để phòng ngừa loại sâu này, toàn tổ hợp tác thực hiện biện pháp tạm thời vừa phun xịt thuốc diệt sâu, vừa bao trái để con ngài không đẻ trứng trên vỏ bưởi. Tuy nhiên, Tổ hợp tác đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên chỉ sử dụng những loại thuốc xua đuổi côn trùng, sâu bọ chứ không sử dụng hóa chất tiêu diệt. Cho đến thời điểm này, biện pháp bao trái bảo vệ bưởi là biện pháp hiệu quả nhất (khoảng 50%) trong những biện pháp ứng dụng tạm thời chứ không thể phòng trừ triệt để sâu đục trái bưởi.
Hồng Nhung