Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm

Ngay sau khi phát hiện có dịch cúm, UBND tỉnh đã có công điện khẩn chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng Thú y thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) phun thuốc khử trùng tại các khu vực buôn bán, giết mổ, để ngăn chặn dịch cúm gia cầm. Ảnh: Bá Khang-TTXVN phát

Tỉnh thành lập và tổ chức các đoàn kiểm tra làm việc với UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền thường xuyên, liên tục và sâu rộng trong cộng đồng về tác hại, nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm; vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi, các quy định vận chuyển, giết mổ, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm. Bên cạnh đó, các cơ quan hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh trên gia cầm và lây sang người; tuyên truyền cho người dân thực hiện “5 không” (không nuôi thả rông gia cầm, không mua bán gia cầm bị bệnh, không giấu dịch, không vứt xác gia cầm bừa bãi, không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc); đặc biệt không ăn tiết canh gia cầm, thịt và trứng gia cầm chưa nấu chín.


Tỉnh chỉ đạo UBND huyện Bảo Thắng thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, không để dịch lây lan ra diện rộng; tổ chức tiêu hủy ngay đàn gia cầm nghi mắc bệnh, tiêu độc khử trùng và quản lý chặt chẽ vùng dịch; huy động lực lượng của các cơ quan chuyên môn, đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, tăng cường sự phối hợp với cơ quan thú y trong việc kiểm tra, giám sát báo cáo dịch bệnh ở cơ sở, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giấu dịch, bán chạy và tiêu thụ gia cầm ốm.

 

* Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A (H5N1), cúm A (H7N9) và H10N8, các sở, ban, ngành liên quan và UBND 11 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; giám sát chặt chẽ tình hình dịch, bệnh và sự lưu hành của các chủng virút cúm gia cầm. Tỉnh tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ và xử lý triệt để việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc.


Tất cả các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và 11 huyện, thành phố của tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch tại chỗ; dự phòng đủ cơ số thuốc, nhân lực, trang thiết bị y tế, khu vực cách ly sẵn sàng khám, thu dung bệnh nhân vào bệnh viện. Thực hiện tốt công tác giám sát chặt chẽ các trường hợp người bệnh có hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng, người bệnh viêm phổi tại các cơ sở y tế và cộng đồng, nhất là các trường hợp mới trở về Việt Nam từ vùng dịch bệnh để theo dõi, chẩn đoán và xử lý kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Tại tất cả các cửa khẩu trên địa bàn, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Giang đã tăng cường nhân lực, phương tiện và máy móc ngăn ngừa dịch cúm xâm nhập qua cửa khẩu. Đối với 100% phương tiện nhập cảnh từ Trung Quốc qua các cửa khẩu vào địa bàn Hà Giang đều được phun thuốc hóa chất khử trùng...

 

* Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp cho biết, do vào thời điểm thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân nên đàn vịt chạy đồng từ ngoài tỉnh đổ về các địa bàn đang thu hoạch lúa trong tỉnh lên tới trên 1 triệu con, nhiều nhất là ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười (do địa bàn giáp ranh với 2 tỉnh Long An và Tiền Giang).
Chi cục Thú y tỉnh đã tạm ứng 1 triệu liều vắcxin phòng, chống cúm A (H5N1) và hơn 1,3 triệu liều vắcxin còn tồn của năm 2013 để phân bổ cho trạm thú y các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh để tiêm phòng trên gia cầm.


Sở Y tế tỉnh phối hợp với Chi cục Thú y tiếp tục kiểm tra, giám sát và lấy mẫu gia cầm các vùng lân cận để phát hiện và ngăn chặn kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Chi cục Thú y chỉ đạo các trạm thú y và mạng lưới thú y cơ sở đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, thường xuyên thực hiện việc tiêu độc, khử trùng và tiếp tục cấp phát thuốc sát trùng cho người chăn nuôi nhằm giảm thiểu mầm bệnh trong môi trường. Đến ngày 18/2 nếu không có phát sinh dịch thì tỉnh Đồng Tháp sẽ công bố hết dịch (nơi xảy ra ổ dịch gây 1 ca tử vong).


Ngành thú y tỉnh tăng cường lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc mua bán gia cầm qua biên giới, đặc biệt là ở 2 cửa khẩu quốc tế Thường Phước và Dinh Bà cùng 5 cửa khẩu của huyện Tân Hồng và Hồng Ngự. Ngành thú y đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân biên giới tạm ngưng không mua gia cầm từ bên kia biên giới về bán.

 

* Ông Dương Ngọc Thanh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Gia Lai, cho biết: Trước tình trạng dịch cúm gia cầm diễn biến khó lường, ngành đã tổ chức chặt chẽ 4 trạm kiểm soát dịch bệnh gồm: Song An (An Khê), Ia Khươl (Chưpăh), Chư Ngọc (Krôngpa) và Ia Le (Chư Sê) tăng cường chốt chặn 24/24 giờ ngăn không cho nhập gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập tỉnh theo Công điện 04 của UBND tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng tỉnh đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới để ngăn chặn triệt để gia cầm nhập lậu từ Campuchia. Bên cạnh đó, ngành cũng đang tiếp tục đề xuất với tỉnh xuất hơn 21.000 lít benkocid, để các địa phương triển khai phun tiêu độc và kịp thời ứng phó khi có dịch xảy ra.


TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN