Dưới tác động của biến đổi khí hậu với nhiều diễn biến phức tạp, thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, có thể đi kèm với nhiều đợt rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chăn nuôi.
Trước đây vào những ngày nắng ấm, đàn gia súc của bà con nông dân ở các huyện trên Cao nguyên đá Đồng Văn thường được chăn thả trên đồi, núi. Song những ngày gầy đây, khi nhiệt độ giảm sâu, đàn trâu, bò đã được người dân nhốt ở chuồng, che chắn bạt kín đáo, gia súc được ăn no cả thức ăn thô và tinh bột để tăng cường sức đề kháng.
Là xã biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, xã Lũng Cú huyện Đồng Văn những năm qua đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và phát triển chăn nuôi. Do vậy, ngay từ những ngày đầu mùa đông, cấp ủy, chính quyền xã Lũng Cú đã triển khai nhiều biện pháp tích cực phòng, chống rét cho đàn gia súc trên địa bàn.
Ông Lương Triệu Luân, Chủ tịch UBND xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn cho biết, để làm tốt việc phòng, chống đói rét trên 1.000 con trâu, bò, UBND xã Lũng Cú khẩn trương rà soát các hộ chăn nuôi trâu bò trên địa bàn và tổng hợp số hộ chăn nuôi có chuồng kiên cố, chuồng tạm, chưa có chuồng.
Đối với các hộ chưa có chuồng nuôi, xã thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân và sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho các hộ, đảm bảo 100% hộ chăn nuôi gia súc đều có chuồng trại và đủ khả năng che chắn, giữ ấm cho gia súc. Đồng thời vận động nhân dân thực hiện tốt việc dự trữ thức ăn tinh, dự trữ cỏ và sử dụng biện pháp ủ chua, tiến hành nuôi nhốt trâu bò trong những nhiệt độ xuống thấp. Cử cán bộ khuyến nông, thú y thường xuyên đến các hộ kiểm tra, đôn đốc việc dọn vệ sinh chuồng trại, thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc.
Không chỉ ở xã Lũng Cú, mà hiện nay tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn các huyện vùng cao, vùng sâu, xa, biên giới của tỉnh Hà Giang đều nâng cao ý thức phòng, chống đói rét cho đàn gia súc. Thực hiện các giải pháp để bảo vệ đàn trâu, bò khỏe mạnh qua các đợt rét đậm, rét hại năm nay.
Là tỉnh vùng cao miền núi, biên giới, việc chăn nuôi trâu, bò là hướng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số. Hà Giang hiện có gần 120.000 hộ chăn nuôi với tổng đàn trâu, bò trên 293.000 con. Để duy trì và phát triển đàn gia súc, ngoài việc tổ chức tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang và UBND các huyện, thành phố còn vận động người chăn nuôi xây dựng chuồng trại kiên cố, kín gió, đủ ấm cho đàn gia súc trong mùa đông, tích cực trồng cỏ, dự trữ rơm rạ, thức ăn tinh cho vật nuôi.
UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức cho các hộ ký cam kết thực hiện các biên pháp dự trữ thức ăn và phòng chống đói rét cho gia súc trong vụ Đông Xuân 2018-2019. Mỗi gia đình phải dự trữ cho mỗi một con trâu, bò từ 1 đến 1,2 tấn thức ăn thô, xanh; 30 đến 35 kg thức ăn tinh (bột ngô, bột sắn, cám gạo) và có chuồng trại kiên cố đảm bảo phòng chống đói rét cho gia súc.
Trong những ngày này, nhiệt độ ở các xã vùng cao biên giới giảm sâu dưới 10 độ C, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố cử nhiều đoàn công tác về hướng dẫn các địa phương khẩn trương phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Các địa phương chủ động việc quyết định sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ cho những hộ nghèo, gia đình neo đơn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn không có điều kiện mua bạt, vật liệu che chắn chuồng trại và thức ăn tinh cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại kéo dài.
Theo dự báo không khí lạnh sẽ tăng cường trong những ngày tới, gây rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Với sự chủ động, tích cực của tỉnh và các địa phương trong phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho bà con các dân tộc thiểu số. Góp phần duy trì và phát triển tổng đàn gia súc, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Hà Giang.