Từ sau quá trình đổi mới kinh tế đến nay, hệ thống chợ ở Lào Cai cũng như nhiều tỉnh miền núi phía Bắc phát triển khá mạnh. Trong số này có hàng loạt chợ mới xây nhưng đang gây lãng phí. Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Lào Cai cho rằng, cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ nhu cầu của dân trước khi có ý định xây chợ ở vùng cao hiện nay.
Chợ Cán Cấu nằm ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Ảnh: CTV |
Chợ vùng cao không chỉ là trung tâm trao đổi hàng hóa mà còn là trung tâm giao lưu văn hóa. Người dân đến chợ vừa có nhu cầu mua bán vừa có nhu cầu giao lưu tình cảm, trao đổi tin tức. Đặc biệt là lớp trẻ chủ yếu đến chợ nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa. Vào thời điểm nông nhàn, chợ là nơi liên tục diễn ra các sinh hoạt văn nghệ dân gian. Các tốp nam, nữ thanh niên về chợ ngay từ chiều hôm trước phiên chợ tìm hiểu, giao duyên. Ngày phiên chợ các đội thông tin lưu động, đội văn nghệ tuyên truyền của các huyện và xã cũng tổ chức các hoạt động truyên truyền, văn nghệ tại chợ.
Ở các trung tâm văn hóa huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát đều giành từ 1/4 đến 1/3 tổng số buổi hoạt động văn nghệ trong năm đi tuyên truyền ở các phiên chợ. Thậm chí, các buổi gặp mặt trao đổi công việc giữa cán bộ xã và thôn, giữa các đoàn thể đôi khi cũng diễn ra tại chợ. Sinh hoạt văn hóa ở chợ trở thành nét đẹp, bản sắc ở chợ vùng cao. Chợ phiên miền núi có vẻ đẹp “dân dã” gắn bó với cảnh quan môi trường xung quanh. Một số chợ khi chưa nâng cấp rất có sức quyến rũ khách du lịch bởi vẻ đẹp của tranh, tre, lứa, lá và trên hết là văn hóa mua bán đầy sự thật thà, chất phác của vùng cao.
Tuy cùng chuyển đổi kinh doanh hàng hóa nhưng mỗi tộc người khác nhau lại có cách ứng xử với chợ khác nhau. Với đồng bào Mông, nam giới chủ yếu là các lái trâu, lái ngựa, bán chim, nữ giới buôn bán quần áo thổ cẩm. Với đồng bào Giáy, nam giới buôn bán các loại máy móc, nông cụ; phụ nữ buôn bán vải vóc, quần áo, các loại đồ ăn. Phụ nữ Nùng, Thu Lao ở Si Ma Cai tập trung bán hàng khô, ăn uống, hàng rong...
Từ sau tái lập tỉnh Lào Cai năm 1991 đến nay, hệ thống chợ ở Lào Cai tăng nhanh, tăng hơn 3 lần, trong đó các huyện biên giới có số chợ phát triển nhanh nhất. Bên cạnh các chợ hoạt động hiệu quả, chợ vùng cao còn nhiều điểm hạn chế. Trong tổng số 72 chợ được xây dựng có tới 16 chợ không hoạt động hoặc hiệu quả thấp. Một số huyện rất nghèo như Si Ma Cai xây mới 5 chợ thì có 3 chợ bỏ hoang, huyện Văn Bàn có 6 chợ thì 4 chợ hoạt động không hiệu quả hoặc bỏ hoang. Riêng huyện Văn Bàn, chợ Nậm Tha khánh thành từ năm 2006 nhưng không có người đến chợ nên UBND xã phải bố trí chợ thành lớp mẫu giáo ở tạm và cho chủ xưởng gỗ địa phương sử dụng; chợ Dương Quỳ đi vào hoạt động từ năm 2005 chỉ có 2 phiên họp chợ còn toàn bộ khu chợ bỏ hoang, trở thành nơi phơi thóc, sắn của người dân địa phương; chợ Chiềng thành nơi buộc dê hoặc thỉnh thoảng làm nơi tổ chức đám cưới cho người dân trong vùng. Ở những địa bàn này, tỷ lệ hộ đói nghèo cao trên 40%, kinh tế mang nặng tính tự cung tự cấp.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, trong chương trình xây dựng nông thôn mới đang diễn ra ở nhiều địa phương hiện nay, các cấp chính quyền đều chạy đua chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu “cứng”, trong đó có việc xây dựng ở mỗi xã nông thôn mới phải có 1 chợ. Đây là một chủ trương sai lầm, tốn nhiều tiền của của Nhà nước và nhân dân. Vì vậy, cần bỏ tiêu chí chợ như tiêu chí bắt buộc đối với các xã được công nhân nông thôn mới. Mỗi địa phương chỉ xây dựng chợ ở những khu vực thị tứ, trung tâm cụm xã hoặc những nơi kinh tế sản xuất hàng hóa xuất hiện.
Chính quyền các cấp cần nghiên cứu nắm vững đặc điểm kinh tế - xã hội - văn hóa ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người nhằm quy hoạch, thiết kế xây dựng chợ miền núi phù hợp, không nên thiết kế chợ miền núi một cách đại trà, rập khuôn máy móc như ở vùng đồng bằng. Ở những xã vùng cao còn mang nặng kinh tế tự cung tự cấp chỉ nên khuyến khích người dân đầu tư điểm kinh doanh gồm một số cửa hàng trao đổi nhu yếu phẩm chính của xã.
Minh Nguyệt