Ngày 31/7, tiếp tục phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2013, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã thảo luận về dự thảo đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” .
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung lớn của đề án liên quan đến nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục; đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, tăng cường cơ sở vật chất, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục...
Một số ý kiến của thành viên Chính phủ cùng đề xuất, bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học cần đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao nhằm đáp ứng nhu cầu lao động cho các ngành nghề mũi nhọn, công nghệ cao, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; quan tâm khắc phục những bất hợp lý trong cơ cấu đào tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tất cả những thành tựu đạt được của đất nước đều có phần đóng góp tích cực của giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, đòi hỏi phải có sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại bố cục, nội dung của đề án, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, mục tiêu đổi mới, các nhiệm vụ và giải pháp...
lCùng ngày, Chính phủ đã thảo luận về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2013 và thảo luận về một số dự án luật.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trong những tháng đầu năm, Chính phủ đã thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đạt 100% số các dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và cho ý kiến. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở các bộ, ngành.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Trung ương đã xác định việc hoàn thiện thể chế là một trong 3 khâu đột phá chiến lược; cho rằng có luật, có quyết tâm nhưng không được cụ thể hóa thành cơ chế, thể chế thì quyết tâm, chính sách sẽ không thể đi vào được cuộc sống. Cùng với vấn đề tồn tại về tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, chất lượng văn bản ban hành cũng là một vấn đề lớn cần được đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý bên cạnh về tiến độ, các bộ, ngành khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần hết sức lưu ý đến chất lượng văn bản, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi.
Để giải quyết tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành đề cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường phối hợp trong quá trình xây dựng văn bản, tiến hành quy trình thẩm định, thẩm tra chặt chẽ, hiệu quả, đồng thời phân công đủ nhân lực để thực hiện công tác xây dựng văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đảm bảo kinh phí cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên tinh thần tiết kiệm.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận về: Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Dự án Luật Đầu tư công; Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).
Thiện Thuật