Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại New Delhi về việc Trung Quốc đưa giàn khoan, cùng nhiều tàu hộ tống vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, ngày 13/5, giáo sư G.V.C Naidu, giảng viên tại Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thuộc trường đại học tổng hợp Jawaharlal Nehru ở New Delhi, nêu rõ:
Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược “lát cắt salami”, xuất phát từ năm 1974, khi lần đầu tiên họ chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) cùng với các đảo ở Trường Sa (Spratly Islands). Từ đó đến nay, Trung Quốc đã tiến hành chiếm dần Biển Đông, nơi không chỉ là khu vực quan trọng về địa lý tại Đông Nam Á, mà còn chứa những nguồn tài nguyên dồi dào, đặc biệt là năng lượng. Hành động đánh chiếm Hoàng Sa xảy ra đã 40 năm, Trung Quốc còn đòi cái gọi là “đường chín đoạn” rất phi lý.
Tiến trình công nghiệp hóa làm tăng nhu cầu năng lượng góp phần tăng hành động hiếu chiến của Trung Quốc. Bắc Kinh đang kết hợp đe dọa về vật chất và một dạng trò chơi tâm lý để làm cho các “đối thủ” kiệt sức. Trung Quốc biết rõ không bên tranh chấp nào ở Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, có thể sánh kịp tiềm lực quân sự và tài chính của họ, đồng thời không muốn thể hiện rằng Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc chiến trâng tráo.
Giáo sư Naidu trả lời phóng viên TTXVN. |
Do vậy, chiến lược của Trung Quốc là chia rẽ ASEAN về mặt chính trị nhưng không gây đối kháng bởi Bắc Kinh rất cần ASEAN vì những lý do kinh tế và ngoại giao bằng cách lôi kéo Hiệp hội này với mọi sáng kiến. Chính sách này có vẻ ở chừng mực nào đó đã có tác dụng khi năm 2012 Hội nghị cấp cao ASEAN tại Phnom Penh đã không thông qua được tuyên bố của Chủ tịch ASEAN. Chắc chắn sự đoàn kết của ASEAN đã bị thách thức nghiêm trọng do các chiến thuật của Trung Quốc. Vụ tàu Trung Quốc đâm vào tàu Việt Nam rõ ràng trong các vùng lãnh hải Việt Nam và việc Trung Quốc tự cho phép mình tiến hành các hoạt động thăm dò tại đây là hành động nghiêm trọng.
Hành động tiếp theo có thể lấy cớ bảo vệ lợi ích của mình, Trung Quốc thậm chí sẽ triển khai tàu chiến hải quân ở đó. Trung Quốc hành động như vậy trong khi vẫn tỏ vẻ quan tâm đến việc bắt đầu tiến hành các cuộc thương lượng về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Được biết sau hơn một thập niên chần chừ, hiện Bắc Kinh đã đồng ý sẽ tiến hành COC song không ai dám chắc tiến trình này sẽ kéo dài bao lâu. Trước khi bất cứ bộ luật nào được nhất trí, Trung Quốc sẽ tiếp tục chiếm đóng nhiều đảo ở mức có thể sao cho sự chiếm đóng đó trở thành sự việc đã rồi. Tuy nhiên, những hành động này hoàn toàn bất hợp pháp và đó là lý do tại sao Trung Quốc từ chối đưa vấn đề ra một ủy ban trọng tài quốc tế. Nếu tự tin vào những tuyên bố của mình, Bắc Kinh hãy để một Hội đồng luật pháp quốc tế công bằng xem xét vấn đề.
Trong bối cảnh này, điều cần thiết là ASEAN hãy có lập trường kiên định, buộc Trung Quốc chấm dứt tất cả hành vi chiếm đóng dần dần các đảo, tự cho phép mình tiến hành hoạt động thăm dò thương mại tại các vùng tranh chấp, đơn phương áp đặt các chính sách như cấm đánh bắt cá, cố ý trì hoãn hiệp định COC, từ chối đưa vấn đề lên một ủy ban trọng tài quốc tế… nếu không sẽ phải thay đổi chiến lược như hợp tác với các lực lượng bên ngoài như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản…
Có lẽ cũng phải gửi thông điệp tới Bắc Kinh rằng nếu họ không hành động phù hợp với các nguyên tắc quốc tế thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm với bất kỳ hậu quả nào. Chẳng hạn, nếu Việt Nam ký một hiệp đinh an ninh song phương hoặc cung cấp các căn cứ quân sự (cho nước ngoài) là vì họ không còn sự lựa chọn. Một loạt hành động chính trị khác sẽ do cá nhân từng nước hoặc tập thể ASEAN đưa ra. Giải pháp đưa vấn đề ra thảo luận tại các cơ chế đa phương khu vực như ARF, EAS… và Liên hợp quốc phải được ASEAN cân nhắc nghiêm túc. Riêng Việt Nam cần phải tổ chức các hội nghị, tham vấn với các nhà lãnh đạo chính trị, các chuyên gia để tăng sự quan tâm của họ, đồng thời nói rõ thực tế về tranh chấp và huy động sự ủng hộ của tất cả các tầng lớp đối với vấn đề này.
Minh Lý-Tiến Hiến (P/V TTXVN tại Ấn Độ)