Cây sơn ta giúp xóa đói, giảm nghèo

Cây sơn ta hiện có giá trị kinh tế cao, trở thành nguồn thu nhập chính của hàng nghìn hộ dân ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Hiện nay, nhựa sơn ta đã được xuất khẩu ra nhiều nước, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho người dân. Thương hiệu "Sơn Tam Nông" đã dần được khẳng định trên thị trường.


Nhựa sơn Tam Nông được các thương nhân, thợ sơn đánh giá là có chất lượng tốt nhất ở Việt Nam, vì có độ bám, độ bền cao. Nhựa sơn Tam Nông đã trở thành nguồn nguyên liệu quý được nhiều doanh nghiệp sử dụng làm đồ mỹ nghệ (sơn gắn các mặt hàng chắp bằng tre nứa, các sản phẩm thủ công, đồ thờ, hàng sơn mài). Ngoài ra, rễ, lá, vỏ quả của cây sơn còn được ngành dược dùng để chữa bệnh hen khan, viêm gan mãn tính, đau dạ dày, tổn thương do ngã, dùng ngoài trị gãy xương, vết thương chảy máu, lao phổi….

Bà con huyện Tam Nông đang khai thác nhựa sơn. Ảnh: CTV


Nhờ chất lượng tốt, những năm gần đây, sản lượng tiêu thụ nhựa sơn trên thị trường trong nước và xuất khẩu ngày càng cao, dẫn đến là diện tích trồng cây sơn ta trên địa bàn rất lớn. Huyện Tam Nông đã có 12 xã tham gia trồng sơn với tổng diện tích hơn 520 ha, trong đó 380 ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt từ 130 - 140 tấn/năm. Hiện nay, trên 70% nhựa sơn ta ở Tam Nông đã được xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước ở Tây Âu.


Giá sơn nhựa ở Tam Nông khoảng 200.000 - 300.000 đồng/kg tùy thời điểm, tăng từ 15 - 20% so với năm 2011. Nhựa sơn khai thác đến đâu được các thương lái thu gom hết đến đó. Không ít hộ đã đổi đời nhờ trồng sơn. Mặc dù ở nhiều xã thuần nông như Thọ Văn, Dị Nậu, Quang Húc, cây sơn mới được đưa vào trồng, nhưng đã phát triển lên đến cả trăm ha, thu hút đông đảo các hộ dân tham gia, không ít hộ mạnh dạn trồng hàng nghìn cây sơn, mỗi năm thu hàng tạ nhựa sơn. Cây sơn ở Tam Nông đang trở thành cây công nghiệp mũi nhọn của huyện, cây làm giàu của nông dân.


Anh Hà Văn Tấn - Chủ tịch UBND xã Thọ Văn, huyện Tam Nông cho biết: Cây sơn ta đang trở thành cây "xóa đói giảm nghèo", giúp người dân trong xã có điều kiện nuôi con ăn học, mua sắm các tiện nghi trong gia đình và sửa sang, xây mới nhà cửa khang trang. Nếu như trước kia, nhiều gia đình “bỏ” cả đồi sơn không cắt vì giá nhựa sơn quá rẻ, thì giờ mỗi ngày thu được vài cân sơn từ những đồi sơn đó. Cây sơn cho đều sản phẩm quanh năm, dao động từ 1,8 kg tới 2,2kg/năm/cây, với mức giá tại vườn 300.000 đồng/kg thì thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa.


Để mở rộng trồng sơn, huyện Tam Nông đã quy hoạch vùng sản xuất sơn chuyên canh tại 12 xã có nhiều diện tích đất đồi, đồi núi thấp, trong đó vùng trọng điểm là 4 xã (Thọ Văn, Văn Lương, Xuân Quang và Dị Nậu), 8 xã vùng vệ tinh là Tề Lễ, Phương Thịnh, Tứ Mỹ, Cổ Tiết, Hương Nộn, Thượng Nông, Thanh Uyên và xã Hương Nha. Đặc biệt, chú trọng triển khai trồng cây sơn giềng (sơn đỏ), cho năng suất nhựa và chất lượng cao hơn các loại cây sơn khác.


Đồng thời, huyện tiến hành nghiên cứu khoa học, phân tích, đánh giá chất lượng nhựa sơn, bình tuyển những cây sơn đỏ tốt để nhân giống, xây dựng vườn ươm nhân giống; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng và cung ứng cây sơn giống cho các hộ dân trồng sơn; xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm đặc thù địa lý nhựa "Sơn Tam Nông" và tuyên truyền tới các hội viên của Hội nghề sơn ở bốn xã trồng nhiều sơn về khoa học kỹ thuật; quản lý sử dụng nhãn hiệu sản phẩm, thắt chặt công tác quản lý các hộ trồng sơn, tránh việc coi nhẹ chất lượng sản phẩm ảnh hưởng đến thương hiệu.


Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát lại quỹ đất, ổn định vùng chuyên trồng sơn. Đồng thời liên hệ với các cơ quan chuyên môn thẩm định, đánh giá chất đất để tìm giải pháp thâm canh làm tăng năng suất, lập làng nghề, mở rộng thị trường, tạo thuận lợi cho cây sơn phát triển.


Lâm Đào An

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN