Cây dong riềng làm giàu

Ở xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cây dong riềng đang mang lại giá trị kinh tế lớn cho bà con ở xã vùng ngoài lòng chảo Mường Thanh. Nhiều hộ gia đình nhờ trồng dong riềng đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.


Theo ông Lò Văn Chốm, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu: Năm 2004, cây dong riềng bắt đầu được trồng “thử nghiệm” ở một vài hộ dân trong xã. Nhận thấy hiệu quả, lợi ích kinh tế của loại cây này, năm 2008, bà con đã mở rộng diện tích trồng dong riềng. Đến nay, diện tích cây dong riềng của toàn xã đã lên đến 450 ha.

 

Người dân khu vực ngoài lòng chảo Mường Thanh thu hoạch dong riềng.


Hiện tại, đã có trên 500 hộ, ở 32 thôn, bản của xã Nà Tấu trồng cây dong riềng. Khu vực được trồng cây dong riềng nhiều nhất là các bản Nà Láo, Tà Cáng, Lán Yên, khu vực trung tâm xã chạy dọc quốc lộ 279…


Cũng theo ông Chốm, giá bán củ dong riềng tại địa bàn trong vài năm trở lại đây luôn ở mức ổn định từ hơn 1.400 - 1.600 đồng/kg củ tươi. Với năng suất cho từ 60 - 70 tấn/ha, 1 ha dong riềng có thể cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/vụ.

 

Từ cây dong riềng, nhiều hộ dân đã thoát nghèo.


Khởi nghiệp từ nhiều ngành, nghề khác nhau rồi bén “duyên” với cây dong riềng, đến nay, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Nà Tấu đã trở thành triệu phú nhờ vào loại cây cho bột này, như ông Lò Văn Dung (bản Nà Láo), ông Lò Văn Bình (bản Phiêng Ban), ông Lò Văn Thanh (bản Lán Yên), ông Lò Văn Thơi (trung tâm chợ Nà Tấu), Lò Văn Pâng (bản Tà Cáng)… Những hộ gia đình này đều có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm nhờ trồng dong riềng.


Nhiều người dân trên địa bàn xã Nà Tấu cho biết, trồng cây dong riềng dễ hơn so với việc trồng sắn, lúa, hay cây hoa màu khác, bởi dong riềng ít chịu tác động, ảnh hưởng của sâu hại, bệnh tật và thời tiết; không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Việc mất chất dinh dưỡng gây cằn cỗi đất trồng (do dong riềng cần nhiều dinh dưỡng, không thể trồng lâu trên một diện tích) cũng đã được bà con hóa giải bằng việc thay đổi địa điểm trồng (luân canh).


Bên cạnh đó, đầu ra của sản phẩm luôn ổn định. Địa bàn xã Nà Tấu có quốc lộ 279 chạy qua trung tâm, hiện tại đã có 5 điểm sơ chế củ dong riềng nằm dọc trục quốc lộ, là điều kiện lý tưởng cho việc vận chuyển, bán buôn dong riềng sau thu hoạch. Những năm qua, lượng dong riềng củ trồng được của Nà Tấu không cung cấp đủ các điểm sơ chế, thu mua này. Cùng với đó, việc nhiều thương lái ở Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên… lên tận Điện Biên thu mua củ dong riềng đã khẳng định thị trường tiêu thụ sản phẩm này ngày càng mở rộng xuống các tỉnh miền xuôi.


Đối với bà con dân tộc Thái ở nơi đây, khoản thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ từ bán củ dong riềng là cơ sở vững chắc đưa kinh tế gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhiều hộ gia đình đã xây dựng, sửa sang lại nhà cửa khang trang, mua sắm được xe máy, tivi, máy cày, máy kéo phục vụ cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở miền núi.


Bài và ảnh: Xuân Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN