Cậu học sinh vùng cao đam mê sáng tạo

Từ những công việc diễn ra hàng ngày của bà con dân bản tại xã Minh Đài, huyện nghèo vùng cao Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, cậu học trò Nguyễn Trung Thành, lớp 11A1, trường THPT Minh Đài đã sáng tạo ra những chiếc máy hữu ích với người nông dân trong quá trình sản xuất.

 

Từ đam mê


Sinh năm 1997, tại xóm Minh Tâm, xã Minh Đài, huyện miền núi Tân Sơn, điều kiện học tập của Thành cũng như các bạn cùng trang lứa còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, nhưng với khát vọng và tình yêu khoa học, nhiều năm liên tiếp Thành giành được giải cao trong các cuộc thi sáng tạo dành cho lứa tuổi học sinh.

Em Thành (trái) kiểm tra tính năng của máy tách hạt bông T10.


Ngay từ khi học lớp 5, Thành đã có ý tưởng làm mô hình nhà sàn bằng cây chít và giành được giải khuyến khích cấp quốc gia. Giải thưởng đó là động lực thúc đẩy Thành không ngừng sáng tạo.


Thấy người nông dân vùng cao phải vất vả mài nghiền các loại củ sắn, củ dong, khoai... thành tinh bột, Thành nảy ra ý tưởng phải làm một chiếc máy giúp bà con. Đem ý tưởng đó chia sẻ với bố và Thành được bố hết sức ủng hộ. Thành bắt đầu nghiên cứu để biến ý tưởng thành hiện thực. Và chiếc máy chế biến tinh bột mang tên T7 đã ra đời. Với chiếc máy này, Thành đã đạt giải ba trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc và huy chương đồng quốc tế năm 2010.


Sự quyết tâm và niềm đam mê đã nối dài thành công đối với các sản phẩm sáng tạo của Thành khi mới đây, em đạt giải nhì trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2013, với sản phẩm máy tách hạt bông T10.


Chia sẻ ý tưởng máy tách hạt bông T10, Thành nói: “Trong một lần em đến nhà bạn chơi, em thấy bố mẹ bạn đang ngồi tách hạt bông. Em thấy bụi bông bay ra nhiều. Nếu người lao động thường xuyên hít phải bụi bông sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau 3, 4 tháng tìm tòi, cuối cùng máy tách hạt bông T10 của em đã ra đời”.


“Hạt sau khi tách ra sẽ được thu gom theo hệ thống máng. Còn bông theo quán tính được đẩy ra và thu gom vào bao tải, bông sau khi tách tơi, xốp, không bị nhiễm hóa chất hoặc thay đổi lượng chất, đồng thời hạn chế tối đa việc tiếp xúc của con người trong quá trình tách hạt, nên không ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Bên cạnh đó, máy sẽ tiết kiệm được thời gian từ 10 - 16 lần so với làm thủ công”, Thành chia sẻ.


Đến thành công


Sau khi hoàn chỉnh sản phẩm, bà con xung quanh nhà Thành đã dùng thử và thấy được hiệu quả của máy tách hạt bông T10. Nhiều hộ gia đình tới đặt mua tại nhà của Thành, với giá từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/chiếc.


Thầy giáo Ngô Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường THPT Minh Đài cho biết: “Mỗi khi có ý tưởng, Thành đều chia sẻ với tôi và tôi luôn ủng hộ. Trong quá trình làm máy tách hạt bông T10, có những hôm hai thầy trò mày mò và vận hành thử nghiệm tới khuya để tìm ra những lỗ hổng chưa đạt của máy. Tôi rất vui là chiếc máy của Thành được đánh giá cao”.


Nói về sức sáng tạo của Thành, thầy Tuấn khẳng định: “Thành có sức sáng tạo vô tận. Đặc biệt, những ý tưởng của em đều xuất phát từ những công việc của người nông dân vùng cao, với mong muốn giúp bà con bớt khó khăn, vất vả”.


Ông Nguyễn Quang Vinh, bố của Thành cho biết: “Khi Thành còn nhỏ, mỗi lần nghe tôi kể về công việc của những người lao động tại địa phương, cháu luôn thắc mắc và yêu cầu bố giải thích cặn kẽ. Từ những câu chuyện ấy, đã thôi thúc cháu phải làm được một điều gì đó giúp người nông dân quê mình”.
Ước mơ của Thành là sẽ trở thành một kỹ sư chế tạo máy để sáng tạo ra nhiều sản phẩm giúp người nông dân “chân lấm tay bùn” ở mọi miền Tổ quốc, nhằm nâng cao năng suất lao động trong sản xuất nông nghiệp. Ước mơ của Thành giản dị như chính những sản phẩm của cậu học trò dành cho những người nông dân quê em.

 

Vũ Bắc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN