Cảnh giác “giặc lửa”mùa khô hanh

TP Hồ Chí Minh đang bước vào mùa khô hanh, vì vậy những khu vực tập trung đông dân và hàng hóa như khu dân cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ hoặc những cánh rừng phòng hộ... đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy cao.


Nguy cơ cháy cao


Mới chỉ có hai tháng đầu năm 2014, ở thành phố đã xảy ra hơn 61 vụ cháy làm 3 người chết và 3 người bị thương, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Theo ghi nhận của phóng viên tại các chợ có tập trung đông đúc người và hàng hóa như chợ Bình Tây (quận 6), chợ Kim Biên (quận 5), chợ An đông (quận 5)... đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao, bởi hàng hóa được chất kín cả lối đi, thậm chí cả những lối thoát hiểm cũng bị bịt kín. Nếu xảy ra sự cố về cháy nổ, việc ứng cứu, chữa cháy, cũng như việc thoát nạn của người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nguy cơ cháy nổ ở các chợ rất lớn.


Bên cạnh đó, những khu mua bán hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, bệnh viện, khách sạn, nhà hàng... cũng có nguy cơ cháy cao; trong khi đó công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại chỗ chưa được chấp hành nghiêm chỉnh. Mới đây, Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5) đã bị phòng Cảnh sát PCCC quận 8 lập biên bản, xử lý hàng loạt các lỗi không đảm bảo quy định về an toàn PCCC như chưa lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy trong nhà, lực lượng và phương tiện chữa cháy thiếu và yếu về nghiệp vụ...


Ông Đào Văn Đang, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm TP Hồ Chí Minh, cũng cảnh báo: “Trong mùa khô hanh; nhiệt độ thường tăng cao. Vì vậy, những khu vực có nhiều cây phân tán, những đám cỏ ở những khu dất trống của các dự án “treo”... là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy cao. Những khu vực này thường xen cài với khu dân cư nên khi xảy ra cháy rất dễ bị cháy lan. Ngoài ra, do ý thức người dân chưa cao nên vẫn còn những hành động vô ý gây cháy”.


Nâng cao ý thức phòng cháy tại chỗ


Theo điều tra của các cơ quan chức năng, nguyên nhân xảy ra các vụ cháy trong thời gian qua chủ yếu là do việc bố trí, lắp đặt, sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn; bố trí nơi đun nấu gần các vật liệu dễ cháy hoặc rò rỉ gas, do thắp nhang thờ cúng... Điển hình như vụ cháy xảy ra tại cơ sở sản xuất túi ni lông Minh Hoàng ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh vào ngày 17/2 là do chập điện máy bơm nước. Trước đó, một vụ cháy xảy ra tại nhà dân ở đường Nguyễn Biểu (quận 5) có nguyên nhân xuất phát từ việc thắp nhang đèn thờ cúng.


Theo Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, để đảm bảo an toàn trong phòng chống cháy nổ, trước hết người dân cần nâng cao ý thức trong sử dụng điện, gas, hóa chất... Sở cũng đã kết hợp với UBND các quận thành lập các tổ phòng cháy chữa cháy tại chỗ, vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm, phối hợp cùng các công ty điện lực cải tạo hệ thống lưới điện nhằm triệt tiêu các nguy cơ gây cháy từ điện. “Với các hộ kinh doanh, buôn bán tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, Sở cũng đã vận động, tuyên truyền các chủ cửa hàng về công tác PCCC. Hàng hóa trong các kho chứa hàng cần được sắp xếp ngăn nắp, đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC và kho chứa hàng phải có lối thoát nạn... Đối với những khu vực nhà chung cư, nhà cao tầng... , đường dây dẫn điện phải đi trong ống bảo vệ cách điện; tủ điện, bảng điện phải được lắp đặt ở mặt ngoài tường bằng vật liệu không cháy”, ông Dương cho biết thêm.

 

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN