Trung Quốc ngày 19/9 tuyên bố, Nhật Bản phải "hoàn toàn chịu trách nhiệm" đối với bất kỳ ảnh hưởng thương mại nào do cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông gây ra.
Các nhà hoạt động xã hội Nhật Bản mít tinh phản đối Trung Quốc ở thủ đô Tôkyô ngày 18/9. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đơn Dương nói trong cuộc họp báo rằng, việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư còn Tôkyô gọi là Senkaku chắc chắn sẽ ảnh hưởng và phá hoại sự phát triển quan hệ kinh tế-thương mại thông thường giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi nhấn mạnh, Nhật Bản và Trung Quốc cần giữ các quan hệ kinh tế khỏi những căng thẳng chính trị. Ông cho rằng, việc người biểu tình Trung Quốc phá hoại các cơ sở sản xuất của Nhật Bản tại Trung Quốc chỉ gây hại cho Trung Quốc bởi các công ty này tuyển dụng rất nhiều lao động địa phương.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cho rằng dù đang đối mặt với "nhiều thách thức chính trị khác nhau", hai nền kinh tế lớn thứ hai (Trung Quốc) và thứ ba thế giới (Nhật Bản) này cần dẫn đầu kinh tế toàn cầu vốn đã có những dấu hiệu giảm tốc độ tăng trưởng. Hai bên nên duy trì hợp tác kinh tế, phản ứng một cách bình tĩnh và thích hợp trước những vấn đề phát sinh.
Tranh chấp quần đảo ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang phủ bóng đen lên thương mại song phương. Nhiều tour du lịch tới Nhật Bản đã bị các công ty du lịch Trung Quốc hủy bỏ. Doanh số hàng hóa Nhật Bản trên thị trường Trung Quốc, đặc biệt là ô tô và đồ điện tử, đã giảm mạnh trong tháng qua. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản trong khi Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc. Kim ngạch thương mại song phương chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch ngoại thương của Nhật Bản.
Trong khi đó, ngày 19/9, các cuộc biểu tình chống Nhật Bản ở Trung Quốc đã lắng dịu. Cùng ngày 19/9, nhiều tập đoàn Nhật Bản ở Trung Quốc như các nhà sản xuất ô tô Honda, Nissan, Mazda, Suzuki... đã nối lại hoạt động.
TTG