Dù đã được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), song cháu bé 12 tuổi ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đã không qua khỏi do nhiễm cúm A/H1N1, vào sáng 23/4. Như vậy, từ đầu tháng 4 đến nay, đã có tới 3 ca tử vong do nhiễm cúm A/H1N1.
Cán bộ y tế điều trị cho bệnh nhân viêm đường hô hấp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Dương Ngọc- TTXVN |
Theo BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bé gái này nhập viện do nhiễm cúm A/H1N1 trong tình trạng suy hô hấp rất nặng. Ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã được dùng thuốc kháng vi rút, được đặt ống nội khí quản, thở máy.
Trước đó, bệnh nhi và hai thành viên khác trong gia đình bị lây cúm từ người anh rể, từ Hà Nội về Thanh Hóa thăm vợ con. Sau đó, hai thành viên khác đã khỏi bệnh, riêng bé gái này thì bệnh tình ngày một nặng hơn.
Tháng 4/2009, dịch cúm A/H1N1 bắt đầu xuất hiện tại Mêhicô và sau đó nhanh chóng lan rộng ra nhiều quốc gia. Từ 31/5/2009 đến 19/3/2010, Việt Nam có 11.214 người mắc, trong đó 58 nguời tử vong do nhiễm cúm A/H1N1. |
Cụ thể, ngày 16/4 bệnh nhi bắt đầu có triệu chứng sốt, ho, khó thở nhẹ nên đã được đưa tới khám tại Bệnh viện huyện Vĩnh Lộc. Sau một ngày điều trị, do bệnh nhi ngày càng khó thở nên được chuyển lên Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa; sau đó, tiếp tục được chuyển đến điều trị tại BV Lao và Bệnh phổi Trung ương và cuối cùng là BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tại đây, dù đã được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do tình trạng bệnh quá trầm trọng nên cháu bé đã tử vong vào sáng 23/4. Như vậy, đây là ca nhiễm cúm A/H1N1 tử vong thứ 3 được thông báo trong vòng chưa đầy một tháng nay.
“Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho một bệnh nhân nam nhiễm cúm A/H1N1 trong tình trạng khá trầm trọng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ho sốt, khó thở. Kết quả chụp X-quang cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương phổi cả hai bên”, BS Nguyễn Hồng Hà, cho biết.
Theo các chuyên gia y tế, phần lớn các ca nhiễm cúm A/H1N1 biến chứng nặng đều do nhập viện quá muộn, với các biến chứng như: Tức ngực, suy hô hấp, viêm phổi nặng. Trong khi đó, ba ngày đầu khi bệnh nhân có biểu hiện nhiễm cúm A/H1N1 được coi là “thời gian vàng” để điều trị bằng thuốc Tamiflu nhằm ức chế sự nhân lên của virút trong cơ thể, giúp bệnh diễn biến nhẹ hơn.
Điều rất đáng lo ngại là kết quả giám sát cúm trọng điểm quốc gia từ đầu năm đến nay cho thấy, tỷ lệ nhiễm virút cúm A/H1N1 lưu hành trong cộng đồng có xu hướng tăng. TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ, cho hay: “Kết quả xét nghiệm cho thấy, virút cúm A/H1N1 chiếm tới 48% tổng số các mẫu dương tính với virút cúm; trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, tỉ lệ này chỉ chiếm từ 5-7%.
“Đây là bệnh lây qua đường hô hấp nên hiện tại không thể biết tỷ lệ người dân nhiễm virút cúm A/H1N1 trong cộng đồng là bao nhiêu. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng vừa mới điều trị cho hai ca bệnh là hai mẹ con (mẹ bị cúm và lây sang con). Vì thế, mặc dù phần lớn những ca mắc cúm A/H1N1 đều ở thể nhẹ, không biến chứng, bệnh có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị nhưng người dân không nên chủ quan; khi có biểu hiện cúm thì cần cách ly, đồng thời đi khám ngay khi bệnh có dấu hiệu nặng hơn”, BS Hồng Hà khuyến cáo.
Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ: Phụ nữ mang thai, những người mắc các bệnh mãn tính như bệnh phổi mãn tính, bệnh hen phế quản, bệnh tim, nguời có HIV/AIDS, tiểu đường, bệnh béo phì... cần lưu ý hơn khi có các biểu hiện của hội chứng cúm vì bệnh có thể diễn biến nặng hơn. Đặc biệt, khi khó thở, tím tái, ho có đờm đặc hoặc ho ra máu, sốt cao trên 38,50C và kéo dài 3 ngày, phản ứng chậm, li bì…, nguời bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để đuợc khám và điều trị kịp thời.
Trong trường hợp chưa bị nhiễm virút cúm, cần tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh; tránh đưa tay lên mũi và miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc.
Trường hợp mắc bệnh cúm hay có biểu hiện hội chứng cúm nên ở nhà, nghỉ làm, nghỉ học, tránh tiếp xúc chỗ đông người; thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn điều trị; hạn chế tiếp xúc với người khác; đeo khẩu trang nhằm hạn chế lây truyền ra những người chung quanh; lau chùi thường xuyên bề mặt, dụng cụ đồ vật quanh người bệnh bằng các chẩt tẩy rửa thông thường. Khi có biểu hiện bệnh nặng hơn, bệnh nhân cần tới cơ sở y tế ngay.
Phương Liên