Rô băm là loại hình sân khấu truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ, tồn tại hơn trăm năm qua và phát triển rực rỡ vào thập niên 60, 70 của thế kỷ XX. Rô băm được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao về giá trị văn hóa, nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ mai một.
Các chương trình biểu diễn nghệ thuật Rô băm ngày càng ít xuất hiện, và chỉ có thể được thưởng thức Rô băm trong các dịp đặc biệt như Tết Chôl Chnăm Thmây, Đôn Ta, lễ dâng y, cầu an; và cũng còn rất ít người biểu diễn được Rô băm. Đồng bào dân tộc Khmer, nhất là lớp trẻ, ngày càng ít am hiểu và xa lạ với loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Ông Thạch Sô Vanh ở ấp Giồng Lức, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, hiện là nghệ nhân biểu diễn và truyền dạy loại hình nghệ thuật Rô băm duy nhất ở Nam bộ, chia sẻ: Ông đã được các nghệ nhân xưa truyền nghề và cố gắng giữ gìn, duy trì loại hình múa Rô băm cho đến nay. Với tinh thần dân tộc và lòng say mê nghệ thuật, ông nhận thấy mình có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn loại hình nghệ thuật Khmer độc đáo này. Tuy nhiên, một mình ông không thể thành lập được một đội lớn, mà chỉ là nhóm nhỏ để phục vụ bà con ở phum sóc trong các lễ dâng y, cầu an.
Một khó khăn nữa là việc tuyển chọn, động viên các cháu thiếu nhi có năng khiếu để đào tạo thế hệ kế thừa. Các nghệ nhân, kể cả người biểu diễn lâu năm cũng phải kiên trì tập luyện từng động tác để phát huy hết các kỹ năng, đặc biệt là nhân vật chằn. Hầu hết các nghệ nhân đều cho rằng trong 12 động tác, múa chằn là khó học, khó múa nhất. Vì vậy yêu cầu đối với việc học các loại hình nghệ thuật sân khấu Khmer là đòi hỏi phải có lòng say mê, kiên trì và cần phải có sự quan tâm đầu tư của ngành chức năng, mới mong có thể tồn tại và phát triển.
Ông Thạch Muni - Vụ phó vụ Dân tộc Tôn giáo, thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, khẳng định: Nghệ thuật Rô băm là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, là niềm tự hào của đồng bào Khmer nói riêng và Việt Nam nói chung. Cần sớm có sự đầu tư để củng cố và phát huy hết tiềm năng phát triển và sức hấp dẫn của loại hình nghệ thuật này.
Bảo Trân