Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thành phố Hà Nội và một số thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thí điểm mô hình xe đạp công cộng (XĐCC), nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm khói bụi và ô nhiễm môi trường, kích cầu sử dụng. Để triển khai mô hình này, thành phố Hà Nội sẽ phải giải quyết một số bất cập.
Hạ tầng chưa đảm bảo
Mô hình XĐCC tại Việt Nam còn khá mới mẻ. Địa phương triển khai đầu tiên chính là thành phố Hội An (Quảng Nam). Lãnh đạo thành phố đã ra quy định cán bộ, công chức phải đi làm bằng xe đạp; đồng thời triển khai xây dựng các trạm xe đạp công cộng trong thành phố, bắt đầu thực hiện dịch vụ cho du khách thuê xe đạp tính giờ. Những thí điểm bước đầu này đã được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều chuyên gia đánh giá, sở dĩ Hội An thành công khi thực hiện mô hình này bởi đây là một đô thị nhỏ, với dân số không quá đông đúc (gần 1.942 người/km2).
Với hiện trạng giao thông tại Hà Nội hiện nay, việc đi lại bằng xe đạp vẫn còn khá khó khăn. |
“Tại Thủ đô Hà Nội - một đô thị lớn, với mật độ dân số cao thì việc phát triển XĐCC còn phải tính đến nhiều yếu tố: Với hiện trạng giao thông tại Hà Nội hiện nay, việc đi lại bằng xe đạp vẫn còn khá khó khăn. Hiện chưa có làn đường dành riêng, xe đạp phải lưu thông lẫn một lượng lớn xe máy, ô tô và các xe cơ giới khác nên thường bị chèn ép”, đại diện thành phố Hà Nội chia sẻ.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Viết Bảo, Chủ tịch câu lạc bộ xe đạp Xưa và Nay nói: “Đi xe đạp tại Hà Nội khá khó khăn, đơn cử như thực tế hoạt động của CLB chúng tôi. Ban đầu, chúng tôi cũng chọn đạp xe trên các tuyến phố của Hà Nội, nhưng thường bị tách đoàn vì đường quá đông, và việc đi lại rất khó khăn. Nhiều khi đang đi thì bị chèn vào giáp lề đường, phải dừng lại không thì đâm vào vỉa hè, thậm chí đi vào lề đường cũng “không yên”, bởi nhiều “chướng ngại vật”, trong đó có cả người đi bộ, do vỉa hè đã bị chiếm dụng làm quán ăn nên người đi bộ phải đi xuống lề đường. Chưa kể mỗi khi sang đường là mỗi lần “thót tim”, việc xuống xe, dắt bộ sang đường là bình thường vì đường quá đông. Hiện tại, chúng tôi chỉ đạp xe quanh hồ Tây vào lúc sáng sớm”.
Tìm giải pháp
Kinh nghiệm phát triển dịch vụ XĐCC tại các quốc gia cho thấy, để phát triển tốt loại hình này cần có các điều kiện cần và đủ, đó là nhu cầu sử dụng và cơ sở hạ tầng đi kèm. Theo PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải): “Cơ sở hạ tầng của họ rất tốt, có làn đường dành riêng cho xe đạp, hoặc có những nơi họ xây dựng vỉa hè rất chuẩn, bao gồm cả đường cho người đi xe đạp và đi bộ, xe đạp hoàn toàn tách khỏi xe cơ giới nên rất an toàn. Còn ở Việt Nam, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nhiều đường ở Hà Nội rất hẹp, việc xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp hiện tại là không thể. Hơn nữa, người dân vẫn chuộng sử dụng các loại xe cơ giới như ô tô, xe máy vì nhanh, di chuyển dễ dàng hơn xe đạp”.
Đây cũng chính là kết quả của cuộc khảo sát riêng của phóng viên báo Tin Tức về nhu cầu sử dụng xe đạp với 20 người từ 20 - 60 tuổi. 10 người trong số đó ở tuổi sinh viên, phương tiện đi lại chủ yếu là xe buýt và xe máy, chỉ có 2 người sử dụng xe đạp nhưng không thường xuyên. Còn lại 5 người đã đi làm, đều sử dụng xe máy, chỉ có 1 người sử dụng xe đạp vào mục đích thể thao. 5 người ở độ tuổi nghỉ hưu thì có 3 người thường xuyên đi xe buýt, 2 người sử dụng xe đạp điện. Chỉ trong một cuộc khảo sát nhỏ như vậy cũng đủ thấy, nhu cầu sử dụng xe đạp hiện nay còn ít. “Theo thực tế hiện nay, đây chưa thành nhu cầu bức xúc của đa số người dân và đối tượng thuê xe đạp dịch vụ sẽ không nhiều, dự báo đối tượng thuê chủ yếu là khách du lịch, tuy nhiên, không phải khách du lịch nào cũng sẽ chọn loại hình phương tiện này. Nên cần phải tính toán kỹ để tránh lãng phí”, PGS.TS Doãn Minh Tâm nói.
Các chuyên gia nhận định, phải từ 5 đến 10 năm tới, khi cơ sở hạ tầng ở Việt Nam dần hoàn thiện và phát triển hơn, các dịch vụ xe công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm sẽ được hình thành, xe đạp trở thành phương tiện trung chuyển và như vậy mới có đủ điều kiện cho xe đạp phát triển.
“Trong điều kiện hiện tại, trước mắt chỉ nên làm thí điểm ở một số tuyến đường tại Thủ đô như quanh khu vực hồ Gươm hay các khu di tích, làng cổ như các làng nghề, làng cổ Đường Lâm, Bát Tràng, khu du lịch sinh thái… và những nơi cấm xe cơ giới, từ đó rút kinh nghiệm sau đó mới tính toán xây dựng phương án cho thuê XĐCC hoặc khuyến khích sử dụng xe đạp cá nhân, chứ không nên cho phát triển đại trà”, một chuyên gia nhấn mạnh.