Cần chiến lược quản lý và sử dụng vốn ODA

Trong 20 năm qua, vốn ODA dành cho Việt Nam đạt gần 80 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh, Việt Nam cần có một chiến lược mới để quản lý và sử dụng nguồn vốn này hiệu quả hơn.


Vốn giải ngân còn hạn chế


Tổng vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ đã đạt 80 tỷ USD; trong đó, tổng vốn ODA ký kết đạt trên 63 tỷ USD. Tuy số vốn cam kết và ký kết tăng dần qua từng năm nhưng giải ngân vốn ODA vẫn chưa có đột phá. Cụ thể, tổng vốn giải ngân mới chỉ đạt 42 tỷ USD, bằng 66% tổng vốn ODA đã ký kết.

Nhà ga hành khách T2 Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) đang được thi công từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Ảnh: Huy Hùng -TTXVN


Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương, hiện còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện và giải ngân vốn cho các dự án ODA. Nguyên nhân là do vướng mắc về thể chế, chính sách. Theo đó, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến ODA, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, còn thiếu đồng bộ và chưa phù hợp với các thông lệ quốc tế.


Mặt khác, có sự khác biệt về quy trình thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ. Cụ thể, trong các văn bản pháp quy hiện hành thường có quy định về tính tối thượng. Theo đó, trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của Việt Nam và nhà tài trợ thì tuân thủ các điều ước quốc tế đã ký kết. Song trên thực tế, việc nêu cụ thể sự khác biệt này trong điều ước quốc tế không đơn giản. Để đảm bảo an toàn, các chủ dự án thường áp dụng phương thức “trình duyệt kép” cả phía Việt Nam và nhà tài trợ dẫn đến mất rất nhiều thời gian.


Ngoài ra, còn phải kể đến một số nguyên nhân khác như: Thiết kế dự án phức tạp, gây khó khăn cho công tác điều phối; chất lượng của một số văn kiện chương trình, dự án ODA chưa đáp ứng được yêu cầu; thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án kéo dài. Đặc biệt, việc thiếu vốn đối ứng, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu... cũng khiến cho việc triển khai các dự án này gặp khó khăn.


Giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn


Theo đánh giá của các nhà tài trợ quốc tế, Việt Nam đã bước vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình. Nguồn viện trợ sẽ giảm dần về số lượng và mức độ ưu đãi trong thời gian tới. Do đó, bên cạnh việc sử dụng vốn xóa đói giảm nghèo, Việt Nam cần phải tính tới sử dụng một phần vốn ODA và vốn vay ưu đãi, bao gồm vốn tín dụng có lãi suất thấp cho các nước đang phát triển để đầu tư phát triển sản xuất.


Để tăng cường và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, trước mắt, cần tập trung thực hiện nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách, thể chế để đảm bảo thực hiện tốt Nghị định 38/2013/NĐ-CP. Qua đó, các địa phương, bộ, ngành liên quan cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư; sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, quy định ODA và vốn vay ưu đãi trong Luật Đầu tư công.


Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng cho rằng, các ngành chức năng cần tiếp tục hài hòa quy trình, thủ tục với các nhà tài trợ, đặc biệt trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng và tái định cư, đấu thầu, quản lý tài chính, kiểm toán... Song song với đó, cần thực hiện các nhóm giải pháp tăng cường hiệu quả giám sát và đánh giá chương trình dự án, tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh.


Trước nhận định nguồn vốn ODA cho Việt Nam giảm dần và vốn vay kém ưu đãi tăng lên, bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần chú trọng đến chiến lược tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu. Đây sẽ là những tiêu chí ưu tiên đầu tư của các nhà tài trợ quốc tế trong thời gian tới.


Đại diện JICA (Nhật Bản) cũng cho biết, việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 38/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng ODA và hội nghị Nhóm tư vấn chuyển đổi thành Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam sẽ giúp cho việc hợp tác giữa các nước có nguồn vốn ODA và Việt Nam đạt hiệu quả và bền vững hơn.

 

Việt Nam hiện có trên 50 nhà tài trợ vốn ODA; trong đó, Nhật Bản là đối tác lớn nhất với mức đầu tư 24 tỷ USD, chiếm 30% tổng vốn cam kết ODA; Phần Lan là nước tài trợ lâu dài nhất (từ 40 năm trước và vẫn tiếp tục cho tới ngày nay).

Thúy Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN