Ngày 22/4/2013, Bộ Y tế đã ban hành quyết định hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa Khám bệnh của các bệnh viện. Dư luận bày tỏ mong muốn chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân vẫn được đảm bảo khi các BV thực hiện biện pháp cải tiến để rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh.
PV báo Tin tức đã có buổi trao đổi với ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh về vấn đề này.
Thưa ông, dư luận đang rất quan tâm về việc quy trình khám chữa bệnh sẽ được rút xuống còn từ 2 đến 4 giờ. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Chỉ tiêu rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh từ 2 đến 4 giờ, trong đó 2 giờ đối với việc khám lâm sàng đơn thuần và 3 đến 4 giờ khám lâm sàng và kết hợp với 1 đến 3 xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng là chỉ tiêu để các bệnh viện phấn đấu đến năm 2015. Bộ Y tế không bắt buộc các bệnh viện đạt ngay tiêu chí này vì mỗi bệnh viện có những đặc thù riêng, phải có đánh giá, nghiên cứu và triển khai nhiều giải pháp thực hiện.
Khi ban hành văn bản này, Bộ Y tế mong muốn thống nhất quy trình khám bệnh tại Khoa Khám bệnh của các bệnh viện. Hướng dẫn các bệnh viện thực hiện các giải pháp cải tiến quy trình và thủ tục trong khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ, tránh gây phiền hà, tăng thời gian trực tiếp khám cho người bệnh và tăng sự hài lòng của người bệnh.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị, Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Trên cơ sở nào mà Bộ Y tế đưa ra thời gian khám, chữa bệnh từ 2 đến 4 giờ, thưa ông?
Bộ Y tế đưa ra con số này là dựa trên kết quả khảo sát tại một số bệnh viện. Bên cạnh đó, Đề án Giảm tải BV cũng nêu rõ: “Giảm thời gian và lưu lượng người chờ khám bệnh tại Khoa Khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao; bảo đảm mỗi bác sỹ khám bệnh không quá 50 người bệnh/một ngày làm việc vào năm 2015 và 35 người bệnh/một ngày làm việc vào năm 2020”. Theo quy trình này, đến năm 2015, trung bình mỗi buồng khám phấn đấu tối đa chỉ khám 50 người bệnh/8 giờ và đến năm 2020 chỉ khám 35 người bệnh/8 giờ. Trong trường hợp số lượng người bệnh tăng đột biến thì phấn đấu tối đa mỗi buồng khám không tăng quá 30% chỉ tiêu trên.
Để đạt được chỉ tiêu trên, các bệnh viện phải khảo sát, đánh giá lại quy trình khám, chữa bệnh của đơn vị mình, xem khâu nào bệnh nhân phải chờ lâu? Nếu đông ở khâu chờ lấy số, BV phải mở nhiều nơi tiếp đón, tăng nhiều bàn khám, phòng khám. Nếu ít bác sỹ khám lâm sàng, lãnh đạo bệnh viện phải tăng cường thêm bác sỹ. Nếu ở nơi đóng viện phí, BV phải mở nhiều thêm bàn thu viện phí. Nếu ở khu làm xét nghiệm, BV phải đưa ra cải cách để rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân.
Bệnh viện phải bố trí, sắp xếp nơi lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm ngay tại Khoa Khám bệnh. Một số kỹ thuật cận lâm sàng như: siêu âm, nội soi, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng nên đặt ngay tại Khoa Khám bệnh để giảm khoảng cách và thời gian đi lại cho người bệnh.
Bên cạnh đó, các bệnh viện phải đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin với sự kết nối đồng bộ giữa các bộ phận liên quan.
Nói tóm lại, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, các bệnh viện phải xây dựng một quy trình khám, chữa bệnh liên hoàn và giám đốc bệnh viện có vai trò quan trọng trong vấn đề này. Nếu lãnh đạo các bệnh viện không quyết tâm thực hiện thì khó có thể đạt được mục tiêu trên.
Trên thực tế, nhiều bệnh viện đông bệnh nhân buổi sáng, vắng vào buổi chiều, đông vào đầu tuần, vắng vào cuối tuần. Hướng dẫn về quy trình khám, chữa bệnh đòi hỏi các bệnh viện phải có kế hoạch, sắp xếp cách làm việc và công tác khám, chữa bệnh hợp lý.
Nhiều bệnh viện lo ngại, khi thực hiện quy trình khám chữa bệnh mới, bệnh viện sẽ thất thu viện phí khi người bệnh bỏ thẻ BHYT không đóng viện phí hoặc không đóng những chi phí phát sinh đối với những bệnh nhân khám, chữa bệnh tự nguyện. Ý kiến của ông ra sao?
Thực tế cũng có một số trường hợp bỏ thẻ BHYT, không đóng viện phí gây thất thu cho bệnh viện. Tuy nhiên, số lượng này rất ít, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các bệnh viện. Các bệnh viện phải đặt ích lợi bệnh nhân lên đầu. Nếu nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh, cải thiện được thái độ giao tiếp của các nhân viên y tế..., thì những lợi ích mà các bệnh viện thu được sẽ nhiều hơn thiệt hại do số ít bệnh nhân gây ra.
Xin cảm ơn ông!
Lê Hảo (thực hiện)