Cải thiện đời sống người lao động bằng lương tối thiểu

Hội đồng tiền lương quốc gia đã chính thức hoạt động từ đầu tháng 8 và có phiên thảo luận đầu tiên, nhằm tư vấn trực tiếp cho Chính phủ về mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu, thay cho cơ chế tư vấn gián tiếp cũ. Ông Phạm Minh Huân (ảnh), Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ,TB&XH), Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về phương án lương tối thiểu vùng cho năm 2014.


 

 

Thưa ông, ông có thể cho biết cơ chế để đưa ra phương án lương tối thiểu vùng của Hội đồng tiền lương quốc gia?


Cơ chế tiền lương tối thiểu trước đây vẫn có sự tham vấn gián tiếp của các bên với cơ quan Chính phủ: Bộ LĐ,TB&XH đưa ra phương án để các bên tham gia ý kiến, sau đó trình Chính phủ. Giờ chuyển sang cơ chế các bên tham vấn trực tiếp, có nghĩa là đại diện phía lao động và sử dụng lao động đưa ra phương án, để hội đồng có trách nhiệm điều hành các phiên họp thảo luận các phương án, làm sao tạo được sự đồng thuận cao nhất. Tất nhiên, tìm sự đồng thuận sẽ khó vì mỗi bên đại diện cho quyền lợi riêng. Phía người lao động mong muốn tăng lương, nhưng phía người sử dụng sẽ gắn tiền lương với yếu tố cạnh tranh, các chi phí... Về phía Chính phủ, sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đưa ra các căn cứ để các bên lựa chọn, cân nhắc các phương án.


Vừa qua, lương cơ bản đã tăng nhưng bên cạnh đó là tăng giá điện, xăng dầu và một loạt những nhu yếu phẩm. Vì vậy, việc tăng lương cơ bản vừa qua chưa hỗ trợ được nhiều cho người lao động. Do đó, việc ra mắt Hội đồng tiền lương giúp bảo vệ đời sống người lao động. Vấn đề tiền lương và vấn đề giá cả luôn luôn quan hệ mật thiết với nhau. Về giá cả bao gồm cả giá của sức lao động, cũng như giá các chi phí thành phần. Vì vậy, mọi chi phí đó đều phải cân đối để điều chỉnh mặt bằng giá cả theo xu hướng thị trường. Việc tăng lương, điều chỉnh giá cả sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhau, cho nên việc điều chỉnh tiền lương trước hết phải đảm bảo bù được trượt giá, sau đó tính toán cải thiện đời sống người lao động phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước.

 

Xin ông cho biết khung thời gian điều chỉnh tiền lương vùng?


Mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh áp dụng từ 1/1 đến 31/12 hàng năm. Để chuẩn bị điều chỉnh lương cho các năm sau, hiện chúng tôi đang dự định là bắt đầu từ tháng 5, nhưng theo kinh nghiệm của các nước thì nên bắt đầu từ tháng 4. Lúc đó các tiểu ban kĩ thuật của Hội đồng tiền lương phải làm việc và đưa ra thảo luận chọn các phương án, đề xuất với Bộ LĐ,TB&XH vào tháng 7 hoặc tháng 8. Trên cơ sở đó, Bộ LĐ,TB&XH sẽ lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, sau đó trình với Thủ tướng Chính phủ tháng 9 và ký công bố quyết định từ 1/10, trước 3 tháng để cho các doanh nghiệp chuẩn bị.

 

Ông có thể cho biết mức lương sẽ tăng bao nhiêu so với hiện tại và có hướng tới đối tượng nông thôn hay không?


Mức tăng phụ thuộc từng năm, nhưng trên nguyên tắc phải bảo đảm được cuộc sống, có tính tới yếu tố cải thiện. Sau khi Hội đồng tiền lương chính thức hoạt động, các tiểu ban kỹ thuật sẽ có điều tra khảo sát kể cả thành thị và nông thôn, để làm sao đưa ra phương án hợp lý.

 

Theo ông, người lao động khu công nghiệp trông chờ gì vào đợt điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ năm sau?


Tôi cho rằng là người lao động ở các khu công nghiệp nói chung, cũng như các doanh nghiệp, mong muốn có một sự điều chỉnh tiền lương cho phù hợp. Nhiệm vụ của Hội đồng tiền lương là cân bằng lợi ích các bên. Nhà nước luôn khuyến khích hai bên thương lượng và đưa ra mức lương. Ở đây có vai trò quan trọng của công đoàn cơ sở trong việc tính toán tiền lương, các mức lương cụ thể cho phía người lao động. Người lao động phải nâng lên ý thức của mình trong việc thương lượng.

 

Theo khảo sát mới đây, lương tối thiểu khối doanh nghiệp hiện vẫn thấp, chỉ đáp ứng khoảng 60% đời sống người lao động.


Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN