Cải thiện bữa ăn cho trẻ em dân tộc thiểu số

Tại Gia Lai, các bà mẹ trong nhóm cải thiện sinh kế đã bắt đầu có tư duy thay đổi các món ăn hàng ngày cho gia đình...

Đi đôi với công cuộc "xóa đói - giảm nghèo", tỉnh Gia Lai đã chú trọng đến việc cải thiện dinh dưỡng cho các bà mẹ và trẻ em nhằm từng bước nâng cao chất lượng dân số, nhất là ở trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Trong năm 2016, toàn tỉnh đã hình thành được 66 nhóm cải thiện sinh kế gắn với hỗ trợ dinh dưỡng cho các bà mẹ và trẻ em; mỗi nhóm có từ 10 - 20 hộ trực tiếp tham gia hưởng lợi và 100% thành viên trong nhóm đều là phụ nữ, ưu tiên cho những phụ nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi.


Các bà mẹ trong nhóm cải thiện sinh kế đã bắt đầu có tư duy thay đổi các món ăn hàng ngày cho gia đình, trên cơ sở tăng thêm chất dinh dưỡng cho bữa ăn như có rau, thịt cá, trứng... không chỉ làm cho ngon miệng mà ăn được nhiều hơn và đủ chất hơn. 


Chị K'pa H'Nga, ở làng Ơi Briu thuộc xã Chư Mố (huyện Ia Pa) có 4 đứa con, nhưng có đến 2 đứa nhỏ bé, nhẹ cân, bởi chị chỉ nghĩ cho con cơm ăn ngày 2 bữa là đủ, còn ăn với món gì thì không quan trọng. Giờ được tuyên truyền, chị mới hiểu chất lượng trong các bữa ăn hàng ngày, đảm bảo cải thiện dinh dưỡng cho gia đình nói chung và cho trẻ em nói riêng.


Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, cán bộ Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại Gia Lai khẳng định, việc cải thiện dinh dưỡng cho cộng đồng trên địa bàn bước đầu đã có bước chuyển biến tích cực, nhất là trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 


Mặc dù, trong các bữa ăn hàng ngày chưa thực sự đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhưng đã có sự thay đổi về nhận thức đáng mừng, như việc nuôi gà đẻ trứng đem bán thì nay các gia đình dành dụm lại, thỉnh thoảng đưa vào trong các bữa ăn, hoặc đưa các loại rau trồng được... vào bữa ăn hàng ngày.


Văn Thông (TTXVN)
Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở miền núi
Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở miền núi

Trong những năm qua, vấn đề giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng (SDD) ở các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm, tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi, vẫn cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN