Thực hiện Chương trình 135 (CT 135) giai đoạn II, tỉnh Bắc Giang đã đầu tư cho 30 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và 97 thôn, bản thuộc 32 xã khu vực II trên địa bàn 4 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhiều hộ dân ở xã trung du miền núi Lão Hộ, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã có thu nhập cao từ chăn thả gia súc, gia cầm. |
Sau 5 năm triển khai (2006 - 2010), tỉnh Bắc Giang đã đầu tư trên 270 tỷ đồng thực hiện các hợp phần dự án phát triển sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng; hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật. Trong đó đầu tư xây dựng 467 công trình thủy lợi, giao thông, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, chợ… phục vụ đời sống cho đồng bào, duy tu bảo dưỡng 184 công trình. Gần 44.000 hộ nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, mua sắm trang thiết bị, vật tư sản xuất, hỗ trợ 32.926 triệu đồng cho 76.870 lượt học sinh con hộ nghèo ở các bậc học, trên 2.000 hộ nghèo được hỗ trợ vốn vay, tổ chức 525 lớp tập huấn cho người dân với trên 40.000 lượt người tham gia, đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 3.000 thanh niên dân tộc thiểu số…
Ông Đào Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết: “Thông qua thực hiện Chương trình 135 và các chính sách dân tộc, cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn, bản ĐBKK, vùng đồng bào dân tộc, được nâng cấp. Nhiều công trình đã phát huy được hiệu quả, đem lại ý nghĩa to lớn và thiết thực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Diện mạo nông thôn vùng dân tộc có sự thay đổi đáng kể, đời sống của đồng bào không ngừng được được cải thiện”.
Tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBKK giảm từ 66,69 % năm 2006 xuống còn còn 42,41% năm 2009, bình quân giảm 5%/ năm. Trình độ dân trí và năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đồng bào tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và mong muốn được tiếp tục đầu tư trong giai đoạn tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II và các chính sách dân tộc tại Bắc Giang cũng bộc lộ một số tồn tại. Việc ủy quyền cho cấp huyện phân bổ và giao kế hoạch chi tiết còn hạn chế như: Giao kế hoạch vượt tổng mức đầu tư, vượt khối lượng hoàn thành, không kịp thời điều chỉnh, không giải ngân hết nguồn vốn. Công tác lập kế hoạch ở một số xã còn hạn chế, thường xuyên thay đổi danh mục dẫn đến việc chuẩn bị đầu tư lúng túng, kéo dài; chưa thực hiện tốt việc thẩm định, kiểm tra, kiểm soát nên một số sai sót của nhà thầu tư vấn chưa được phát hiện. Công tác giám sát, kiểm tra chất lượng vật tư, vật liệu xây dựng công trình ở một số nơi còn chưa tốt; quyết toán vốn đầu tư còn chậm. Về mục tiêu “Xã có công trình, dân có việc làm, nâng cao thu nhập”, kết quả thực hiện còn khiêm tốn, nhiều nơi chưa thực hiện được. Thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh theo Quyết định 112/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn một số sai sót về đối tượng, mục đích sử dụng…
Để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thôn, bản ĐBKK vùng dân tộc miền núi từ nay đến năm 2015, ông Đào Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho rằng: Cần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa tăng thu nhập cho người dân; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc một cách bền vững, giảm sự chênh lệch khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và các vùng trong tỉnh.
Nguyễn Viết Tôn