Các nhà khoa học Anh vừa phát hiện ra rằng trẻ em có bố và ông già cả thường sống lâu hơn những trẻ khác.
Phát hiện trên được đưa ra sau khi họ phân tích AND của 1.779 người lớn. Theo đó, cấu trúc gien của tinh trùng thay đổi khi người đàn ông già đi và tinh trùng phát triển một mã AND giúp con người sống lâu – đặc điểm sống lâu này sẽ được truyền cho con cái.
Từ trước đến nay, các chuyên gia cho rằng tuổi thọ có mối liên quan tới độ dài của cấu trúc gọi telomere nằm ở đoạn cuối nhiễm sắc thể chứa mã gien. Nhìn chung, telomere càng ngắn thì tuổi thọ càng thấp. Telomere bảo vệ đoạn cuối nhiễm sắc thể khỏi bị phá hủy. Nhưng trong hầu hết tế bào, chiều dài của telomere giảm cùng với tuổi tác con người cho đến khi các tế bào không thể tự tái tạo. Tuy nhiên, các nhà khoa học phát hiện ra rằng trong tinh trùng, telomere càng dài ra khi tuổi càng cao.
Do đàn ông truyền AND cho con cái qua tinh trùng nên cấu trúc telomere dài có thể được thế hệ sau thừa hưởng.
Tiến sĩ Dan Eisenberg và đồng nghiệp thuộc Khoa nhân loại học thuộc trường Đại học Northwestern đã nghiên cứu di truyền telomere trong một nhóm người ở Philíppin. Theo đó, cấu trúc telomere dài hơn ở những người có bố cao tuổi hơn lúc họ chào đời. Cấu trúc này thậm chí còn dài hơn nếu ông nội của đứa trẻ cũng có con khi đã cao tuổi.
Mặc dù làm bố muộn tăng nguy cơ sảy thai nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng điều này có thể mang lại lợi ích lâu dài về sức khỏe. Tuy nhiên, giáo sư Thomas von Zglinicki, một chuyên gia về lão hóa tế bào thuộc Đại học Newcastle, cho rằng rằng cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn về vấn đề này.
Thùy Dương