Thời điểm cuối năm 1972, tôi làm Trưởng Tiểu ban tin ảnh công thương. Lúc này Ban biên tập tin và Ban biên tập ảnh của Thông tấn xã Việt Nam (lúc đó là Việt Nam Thông tấn xã) sáp nhập làm một. Ảnh lúc đó có các anh Đinh Quang Thành, Minh Lộc, Vũ Hanh, Minh Đạo…
Phố Khâm Thiên, khu Đống Đa (Hà Nội) bị máy bay B52 của Mỹ ném bom rải thảm, tàn phá ngày 26/12/1972. |
Mỗi tiểu ban đều chia đôi, già nửa số thành viên làm việc ở cơ sở sơ tán; một số ở lại nằm trong lực lượng xung kích trực chiến, góp phần phản ánh cuộc chiến đấu của quân dân thành phố Hà Nội trong “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không”. Ngày đêm, các phóng viên ảnh đều trực bên mâm pháo trên cầu Long Biên, ngoài bãi sông Hồng hoặc bám các trận địa tên lửa ven đô “săn” ảnh máy bay Mỹ rơi trên bầu trời thủ đô.
Trận B52 đầu tiên đánh vào Hà Nội là ở Uy Nỗ - Đông Anh. Hôm ấy ngày nghỉ, vào lúc đã xế chiều. Ngay trong lúc tiếng bom đạn ầm trời, từ nhà tôi lao đến cơ quan nhận nhiệm vụ. Tới nơi thì được tin thủ đô ta đã bắn hạ chiếc B52 đầu tiên, rớt trên cánh đồng huyện Mê Linh. Ngay lập tức, lực lượng trực chiến của Ban được chia làm hai mũi: Một, do anh Lâm Hồng Long (phóng viên ảnh), Thanh Hà (tin) đi Mê Linh; một, do tôi và Nam Minh (tin), Vũ Hanh (ảnh) đi Uy Nỗ, nơi máy bay B52 vừa ném bom rải thảm.
Qua cầu phao Sông Hồng, tới gần Uy Nỗ thì đã 10 giờ đêm. Cách làng chừng vài trăm mét, chúng tôi phải xuống xe, loay hoay vượt hố bom ở giữa đường (chiếc xe U-oát do anh Đại Chiến lái) thì lại một đợt máy bay B52 nữa kéo tới ù ù trên đầu như xay lúa. Những “con rồng lửa” Thăng Long bay vút lên bầu trời rực sáng. Tiếng pháo cao xạ các tầm nổ rất căng. B52 lại trút bom xuống Uy Nỗ, những ánh chớp lóe sáng cùng những tiếng nổ dữ dội, đất rung chuyển. Chúng tôi kịp chui vào một cái cống mương bên đường trú ẩn; nói với nhau: “Nếu không gặp cái hố bom giữa đường này thì bọn mình đã bị ‘tiêu’ trong trận B52 thứ hai ở Uy Nỗ rồi”. Khỏi kể lại cái cảnh khủng khiếp của một làng quê giữa lũy tre xanh bị liền hai trận bom B52 rải thảm tàn phá đau thương đến thế nào!
Vào Bệnh viện Đông Anh, chúng tôi chứng kiến những người nông dân vô tội, có cả em nhỏ, phụ nữ mang thai, cụ già... máu me đầm đìa đang được các y bác sỹ khẩn trương sơ cứu. Qua máy nói của một đơn vị bộ đội phòng không trên trận địa ven đường, tôi liên lạc được với anh Xuân Ổn, Trưởng phòng Thư ký. Anh truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng Giám đốc Đỗ Phượng: Lúc này phải có ngay tin ảnh, nhất là ảnh để ngày mai trên bàn đàm phán Pari, Đoàn ta có bằng chứng tố cáo trước dư luận thế giới về tội ác của đế quốc Mỹ dùng B52 trút bom xuống Hà Nội. Tôi bàn với anh em, không cầu toàn nữa mà nhanh chóng trở về cơ quan kịp làm tin, phóng ảnh ngay. Trên đường trở về chẳng biết loay hoay thế nào xe lại lạc vào sân nhà ga Đông Anh cũng đang là một trọng điểm đánh phá của địch. Tối om. Lối hẹp, nhiều ngả đường bom cày xới, ngổn ngang những toa xe, hàng hóa chất đống. Trên trời từng tốp máy bay chiến đấu Mỹ vẫn quần đảo yểm trợ cho B52 rút. Đến cầu phao Chương Dương, ô tô đủ loại nối hàng dài chờ vượt sông Hồng. Máy bay địch vẫn gầm rú trên đầu. Tôi nói với Đại Chiến, có giấy ưu tiên, cố lách về nhà càng sớm càng tốt. Đại Chiến là một trong những tay lái thiện chiến vừa mới từ tuyến lửa Quảng Bình về, nói: “Em từng lái trong ấy, qua nhiều trận nhưng quả thật chưa bị trận nào lại loay hoay như đêm nay”.
***
Noel 1972. Sau hai ngày tạm ngưng ném bom, đêm 26/12, B52 lại tiếp tục đánh phá thủ đô ta ác liệt hơn, dã man hơn. Chúng trút bom rải thảm thẳng xuống phố Khâm Thiên giữa lòng Hà Nội đông đúc dân cư. Trong những giờ khắc tạm ngưng tiếng bom, và nhất là vào lúc hai bên hưu chiến, tôi được cử theo Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi thăm đồng bào, chiến sỹ ta ở một số nơi. Ngoài một số trận địa pháo, tên lửa; đơn vị không quân; Thủ tướng chứng kiến cảnh cấp cứu những bệnh nhân bị kẹt dưới hầm của Bệnh viện Bạch Mai. Thăm cơ sở kỹ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì. Thăm khu dân cư ở gần đình Láng còn nóng hơi bom và ngổn ngang gạch ngói và vượt sông Hồng sang cả bên Yên Viên.
Chuyến này chỉ có hai xe U-oát. Thủ tướng và một số cán bộ văn phòng một xe, cánh phóng viên quay phim, chụp ảnh một xe. Qua Yên Viên, máy bay trinh sát của Mỹ xẹt trên đầu, xe chúng tôi được lệnh bứt lên tới gần Dốc Lã, còn xe Thủ tướng dừng lại, hai đồng chí bảo vệ dìu ông trú vào chiếc hầm chữ A bên đường. Đồng chí bảo vệ Thủ tướng cùng đi cho biết: Trước giờ hưu chiến, ông nhận được tối hậu thư của Tổng thống Mỹ R.Nixon. Vì vậy ông muốn qua chuyến thăm này thị sát dân tình, một lần nữa khẳng định quyết tâm chiến đấu của nhân dân ta bảo vệ thủ đô. Tôi quan sát, chứng kiến gương mặt cương nghị và khắc khổ của Thủ tướng và khi ông nghẹn ngào cầm khăn tay chấm giọt nước mắt. Ông nói với nhân dân rằng: Đây là trận đánh cuối cùng, phải tiêu diệt B52 trên bầu trời thủ đô và nhắc lại Di huấn của Bác Hồ: Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Bắt nắm chủ đích chuyến đi này của Thủ tướng, tôi chăm chú quan sát và ghi lại những sự kiện, hình ảnh nói lên tinh thần quyết tâm cao của quân dân thủ đô.
Đêm 26/12/1972, có thể nói là đêm quyết chiến, quyết thắng của quân và dân thủ đô ta. Đêm đó, máy bay B52 bị hạ nhiều nhất kể từ ngày chúng mò vào đánh phá Hà Nội: 8 chiếc bị bắn rơi, trong đó có 5 chiếc rơi tại chỗ. Mũi nhọn của tôi gồm Trần Đình Thảo và Minh Trường (PV ảnh) có mặt ngay khi nhân dân tóm cổ tên giặc lái ở bãi đá, cạnh cái ao nhỏ thôn Phương Liệt. Chúng tôi qua phố Khâm Thiên còn khét lẹt khói bom. Ngay ở Ngõ Chợ, tiếng khóc, tiếng gào thét đến điên dại bên dãy xác người đang chờ khâm liệm... Nhìn cảnh đau thương ấy, người tôi run lên vì căm uất. Ngay đêm ấy, trong ánh nến, dưới căn hầm nhà số 5 Lý Thường Kiệt, bên chiếc bàn nhỏ chỉ huy “tác chiến” của vị Tư lệnh mến yêu - Đào Tùng - chúng tôi viết tường thuật cuộc chiến đấu của quân dân thủ đô, của nhân dân cả nước ta và tố cáo tội ác động trời của đế quốc Mỹ.
Ít hôm sau, trong giao ban, chúng tôi được nghe lại đặc phái viên TTXVN ở Pari điện về cho biết: Lãnh đạo Đoàn đàm phán của ta hoan nghênh ở nhà đã cung cấp đầy đủ, rất kịp thời tin, ảnh tố cáo tội ác đế quốc Mỹ đánh vào thủ đô Hà Nội.
Những gian nan nguy hiểm còn đang tiếp diễn trong cuộc chiến dường như tiêu tan hết. Trong tôi một cảm giác lâng lâng khó tả khi nghĩ rằng mình đang cùng đồng nghiệp góp một phần nhỏ bé vào “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không” lịch sử này.
Nguyễn Văn Trường