“Bí kíp” của cán bộ ngân hàng chính sách

Triển khai hiệu quả dự án hợp tác kỹ thuật đã góp phần tạo nên thương hiệu của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách.

Để tạo nên "thương hiệu" trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH luôn chú trọng tới công tác đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ. Đặc biệt, qua dự án hợp tác kỹ thuật của Viện Nghiên cứu chính sách (PRI - Nhật Bản), NHCSXH đã nâng cao năng lực thẩm định tín dụng, nhất là những khoản cho vay doanh nghiệp nhỏ (DNN).

Tại hội thảo tổng kết dự án hợp tác kỹ thuật giai đoạn 2003 - 2011 tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, NHCSXH đang ngày một phát triển cả về nguồn vốn, dư nợ và nâng cao chất lượng cán bộ. Khi thành lập (năm 2003), NHCSXH chỉ có 1.000 cán bộ, nhưng đến nay con số này đã gần 9.000 cán bộ, nhân viên với quy mô gồm: các chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp cả nước, phục vụ trên 7 triệu khách hàng. NHCSXH cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương với hệ thống "chân rết" hơn 203.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 10.400 điểm giao dịch xã, phường, 614 phòng giao dịch. Hiện, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt 104.000 tỷ đồng và dư nợ hơn 97.000 tỷ đồng.

Hội thảo tổng kết dự án hợp tác kỹ thuật tại NHCSXH.


Theo ông Dương Quyết Thắng, đạt được kết quả trên có sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của các tổ chức quốc tế trong đó có dự án hỗ trợ, cung cấp những kinh nghiệm, kiến thức cần thiết và phương pháp thẩm định trong quá trình cho vay DNN, DN mới khởi nghiệp và cho vay học sinh, sinh viên. Trong quá trình triển khai dự án hợp tác kỹ thuật, các chuyên gia của Nhật Bản đã hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm với NHCSXH trong việc quản lý món vay, quản lý điều hành chi nhánh, xây dựng bộ tài liệu thẩm định tín dụng, đào tạo đội ngũ giáo viên và nâng cao năng lực hệ thống đào tạo nội bộ...

Dự án chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2003 - 2006), phía Nhật Bản truyền đạt cho NHCSXH phương pháp thẩm định tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cung cấp những kỹ năng phỏng vấn khách hàng, những kinh nghiệm, bí quyết cần thiết trong việc điều tra, phân tích tín dụng đối với các DNNVV, doanh nghiệp mới khởi nghiệp và công tác cho vay giáo dục. Giai đoạn 2 (2006 - 2008), phía Nhật Bản triển khai đào tạo các Giám đốc phòng giao dịch thành tiểu giáo viên để nâng cao hơn nữa việc phổ biến "Bộ tài liệu phân tích tín dụng" tới các nhân viên còn ít kinh nghiệm của phòng giao dịch. Đồng thời, phía Nhật Bản còn truyền đạt những kiến thức và cả... bí quyết của họ trong lĩnh vực này. Giai đoạn 3 (2009 - 2011), Nhật Bản và NHCSXH đã phối hợp tổ chức một số hội thảo cho cán bộ chủ chốt và Trung tâm đào tạo của NHCSXH trong đó tập trung vào nội dung của một bài giảng về phương pháp phân tích tín dụng đối với DNNVV với sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản.

“Dự án hỗ trợ kỹ thuật đã chú trọng thúc đẩy tập quán thương mại, môi trường tín dụng ở Việt Nam. Đặc biệt, các thành viên NHCSXH không chỉ tiếp thu ý kiến của chúng tôi mà có biến đổi cho phù hợp với từng địa phương…” - bà Hidemi Kimura, Giám đốc Ban Nghiên cứu và hợp tác quốc tế thuộc PRI.

Theo đánh giá của các chuyên gia PRI, dự án hỗ trợ kỹ thuật đã mang lại thành công về nhiều mặt. Cán bộ của NHCSXH đã nhận thức thêm một bước về tầm quan trọng và cách thức thực hiện của công tác thẩm định về định tính, định lượng, kỹ năng phỏng vấn khách hàng. Mặt khác, cán bộ tín dụng, đặc biệt là cán bộ mới, đã được ôn luyện, cập nhật, bổ sung các kỹ năng: lựa chọn. nắm bắt thông tin; cách thức thu thập phân tích và xử lý thông tin. Ngoài ra, dự án đã cung cấp bộ tài liệu dùng cho tập huấn nâng cao kỹ năng thẩm định tín dụng DNN, nhất là cho cán bộ mới. Mẫu phân tích tín dụng chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH đã được cải tiến và áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Ông Hisao Daito, Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế của PRI cho rằng, bộ tài liệu tập huấn được coi như "cẩm nang" tác nghiệp cho cán bộ tín dụng ở các phòng giao dịch NHCSXH. Việc triển khai hiệu quả dự án hợp tác kỹ thuật đã góp phần tạo nên thương hiệu của NHCSXH trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách. Nhờ đó, Chính phủ đã đồng ý để NHCSXH tiếp nhận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) để thực hiện thí điểm cho vay đối với DNN, doanh nghiệp mới khởi nghiệp, cụ thể là các chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay DNNVV, cho vay các hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn...

Đức Nghiêm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN