Bảo vệ rừng mùa khô hanh

Hiện nay, Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã bước vào mùa khô hanh. Tỉnh Đắk Lắk đã sớm triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực, kiên quyết không để xảy ra tình trạng cháy rừng trong mùa khô này.


Theo ông Y Rít Buôn Yă, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, ngay từ cuối tháng 10/2013, tỉnh đã triển khai công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) mùa khô năm 2014, đồng thời, chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với các Đội Kiểm lâm cơ động và PCCR số 1, 2, 3 tổ chức kiểm tra việc xây dựng, thực hiện các phương án PCCR mùa khô năm 2014 của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn.

Phát dọn thực bì nhằm giảm nguy cơ cháy rừng.Ảnh: Quang Quyết – TTXVN

Các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, 15 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp và các doanh nghiệp tư nhân, chủ dự án, UBND các xã có rừng, các hộ gia đình có trồng rừng, cao su… hiện nay cũng đã cơ bản chuẩn bị các phương tiện, xây dựng các phương án PCCR, với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 641.000 ha rừng, đất lâm nghiệp, trong đó có trên 300.000 ha rừng trọng điểm dễ cháy, tập trung ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, Krông Bông, Cư M’gar, Ea H’Leo, Krông Búk…

Tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành kiểm lâm tổ chức trực 24/24 giờ theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết để cảnh báo kịp thời về nguy cơ cháy rừng cho các chủ rừng trên địa bàn. Tỉnh cũng tăng cường 98 kiểm lâm địa bàn về 130 xã có rừng để cùng với các cấp chính quyền địa phương hướng dẫn đồng bào các dân tộc ở các thôn, buôn sinh sống gần rừng xây dựng, thực hiện tốt các hương ước, quy ước bảo vệ, phát triển rừng, PCCR.

Tỉnh củng cố 82 ban, phát triển rừng và 579 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, ký cam kết với 13.638 hộ gia đình đồng bào các dân tộc ở các thôn, buôn sinh sống gần rừng thực hiện tốt các biện pháp phát triển rừng, không chặt phá, lấn chiếm, PCCR. Các địa phương, doanh nghiệp cũng đã hướng dẫn đồng bào các dân tộc khi vào rừng không được nhóm lửa dưới mọi hình thức, phải dập tắt tàn thuốc trước khi vứt xuống đất, rời khỏi vị trí, kịp thời báo cháy khi có sự cố xảy ra…


Tỉnh đã đầu tư tu bổ, làm mới hàng trăm km đường ranh cản lửa, biển báo, chòi canh lửa và trang bị thêm các phương tiện thiết bị máy móc, dụng cụ phục vụ công tác PCCR như máy bơm, máy thổi gió, máy cắt thực bì, bình chữa cháy, vỉ dập lửa, cưa, lều, bạt, hồ, bể chứa nước… phục tốt công tác PCCR. Tại các vùng rừng trọng điểm dễ cháy, bên cạnh việc tăng cường lực lượng kiểm lâm địa bàn, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt việc ký cam kết trong công tác PCCR, các chủ rừng còn đầu tư làm thêm các chòi canh lửa, bố trí người thường xuyên tuần tra, giám sát để có biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.


Huyện Ea Súp là một trong những địa phương có nhiều diện tích rừng khộp dễ xảy ra tình trạng cháy rừng trong mùa khô hanh. Đến nay, huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo PCCR từ huyện đến xã, thôn, buôn, lập các phương án PCCR và chủ động chuẩn bị các phương tiện thiết bị đáp ứng công tác PCCR. Huyện còn tổ chức 20 đợt tuyên truyền lưu động tại các thôn, buôn, vận động đồng bào các dân tộc sinh sống gần rừng chủ động thực hiện tốt các biện pháp PCCR.


Ông Phạm Thế Minh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp M’Đrắk cho biết, Công ty có trên 18.572 ha rừng, trong đó có 15.503,83 ha rừng tự nhiên, 3.068,88 ha rừng trồng. Hàng năm, cứ đến mùa khô, bên cạnh việc củng cố, tu bổ lại các chòi canh lửa, hệ thống bảng tuyên truyền, bảng cấp dự báo cháy, biển quy ước, biển cấm lửa, hệ thống hồ đập, Công ty còn đầu tư sửa chữa, làm mới hàng chục km đường băng cản lửa và các biện pháp lâm sinh làm giảm vật liệu dễ cháy ở các khu rừng trọng điểm dễ cháy, nhất là rừng trồng…

Quang Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN