Biểu diễn trích đoạn Lễ cấp sắc 7 đèn của nghệ nhận Bà Kim Sơn, Đặng Ý Tiến và con cháu ở bản Phia Trang, Nà Cọn xã Sơn Phú, huyện Na Hang (Tuyên Quang) tại Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Văn Tý/TTXVN |
Với gần 100.000 người Dao cư trú trên địa bàn, Tuyên Quang là địa phương duy nhất của cả nước quy tụ đầy đủ 9 ngành Dao, gồm: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc Mùn, Dao Quần Chẹt, Dao Ô Gang (có nơi gọi là Lồ Gang), Dao Coóc Ngáng, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài. Đồng bào dân tộc Dao ở Tuyên Quang có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú với nhiều phong tục, nghi lễ, nghệ thuật đặc sắc.
Độc đáo tục thờ cúng Người Dao đặc biệt chú trọng việc thờ cúng, vì vậy các nghi lễ liên quan đến thờ cúng tổ tiên luôn được đồng bào duy trì, thể hiện qua tục tách tổ và dựng tổ mới với những nghi lễ độc đáo, đặc sắc.
Chúng tôi đến nhà thầy tào Phùng Chương Chí ở xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Ông là một trong số những thầy cúng nổi tiếng nhất trong cộng đồng người Dao ở Tuyên Quang. Ông cho biết: Tục thờ cúng của người Dao rất phong phú nhưng trong đó có một số nghi lễ lớn tiêu biểu không thể thiếu đó là Cúng Bàn Vương, Lễ Cấp Sắc, Cúng Chia - ma (cởi trói) và các lễ ma chay.
Nghi lễ thờ cúng nói chung của người Dao mang đậm tính nhân văn, hướng con người nhớ đến nguồn cội, xua đuổi cái ác và là sợi dây liên kết cộng đồng sâu sắc.
Trong nghi lễ thờ cúng, người Dao sử dụng nhiều tranh cúng. Mỗi dịp lễ, Tết, người Dao lại có những loại tranh cúng riêng; trong đó phổ biến là bộ tranh Tam Tượng (hay còn gọi là Tam Thanh) và bộ Đại Đường Quân.
Ông Phùng Chương Chí cho biết thêm: Tranh của người Dao thể hiện quan niệm của con người thủa sơ khai về vũ trụ. Trong đó, thần tiên chính là thế lực vô cùng quan trọng, bảo trợ cho cuộc sống của con người. Có 3 vị thần cai quản ở 3 nơi là Ngọc Thanh (thần cai quản trên trời), Thượng Thanh (thần cai quản trần gian), Thái Thanh (thần cai quản âm phủ).
Trong tranh cúng của người Dao các màu xanh, đỏ, tím, vàng, đen, trắng là chủ đạo... Tuy nhiên, tùy vào chủ đề và nhân vật mà màu sắc trong mỗi bức vẽ cũng có biến tấu. Cụ thể như trang phục của Ngọc Thanh là màu xanh da trời, màu xanh lá cây, màu trắng; tranh vẽ Thượng Thanh thì chủ đạo là màu xanh lá cây, xanh da trời, nâu sẫm; tranh vẽ Thái Thanh thì chủ yếu có màu đỏ, đen, vàng, nâu.
Theo nghệ nhân Phàn Văn Phú ở xã Tân Thành, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang): Tranh thờ không chỉ là tín ngưỡng mà còn thể hiện niềm tin của người Dao với cuộc sống. Đồng bào quan niệm, các vị thần linh luôn nhìn thấu mọi việc và sẵn sàng phạt người nào định làm điều ác. Chỉ cần nhìn ngắm bức tranh có các vị thần được khắc họa oai nghiêm là những ai có ý định làm việc xấu sẽ phải dừng lại.
Nghi lễ cấp sắc - di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Ông Bàn Kim Sơn đang nghiên cứu sách viết về văn hóa hóa dân tộc Dao. Ảnh: Quang Đán/TTXVN |
Xã Sơn Phú, huyện Na Hang (Tuyên Quang) có 8 thôn với 617 hộ dân, trong đó có 71% người dân là đồng bào dân tộc Dao. Hiện nay, toàn xã có trên 30 thầy cúng, trực tiếp thực hiện các nghi lễ truyền thống của người Dao, đặc biệt là lễ cấp sắc.
Nghệ nhân Bàn Kim Sơn, thôn Nà Cọn, xã Sơn Phú, huyện Na Hang cho biết: Lễ cấp sắc là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của người Dao. Theo quan niệm của đồng bào, lễ cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông dân tộc Dao, được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành và có đủ quyền tham gia các công việc của cộng đồng.
Lễ cấp sắc của người Dao thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm. Trong lễ cấp sắc có rất nhiều nghi lễ như lễ đội đèn, lễ giữ cây đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn ma tổ tiên Trong lễ cấp sắc, tiếng trống, tiếng khèn pí lè, tiếng chuông, tiếng chũm chọe, thanh la, tù và... luôn nổi lên dồn dập, náo nức.
Được biết, nghi lễ cấp sắc của các ngành đồng bào Dao ở Tuyên Quang rất đa dạng và độc đáo. Không gian hành lễ của mỗi ngành Dao mang đặc trưng riêng, có thể dễ dàng nhận biết dựa trên đàn cúng, tranh thờ, nhạc cụ, lễ vật và trang phục của người tham gia cấp sắc. Về hình thức, trong 9 ngành Dao có thể chia làm 3 dạng tổ chức lễ cấp sắc.
Nghi lễ cấp sắc trong nhà, ngoài trời kết hợp với múa, các trò dân gian được thực hiện ở đồng bào Dao Thanh Y, Dao Quần Trắng, Dao Áo Dài. Lễ cấp sắc trong nhà được thực hiện ở đồng bào Dao Tiền, Dao Coóc Ngáng. Cấp sắc trong nhà, sau đó ra ngoài trời gọi Ngọc Hoàng chứng giám thực hiện ở người Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Coóc Mùn, Dao Ô Gang…
Với những giá trị đặc sắc, tháng 11/2013, Nghi lễ cấp sắc của người Dao Tuyên Quang đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.