Bảo tồn sắc thái văn hóa Tây Nguyên

Trong mấy năm qua, cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, một trong bảy vùng văn hóa lớn của đất nước - cũng ngày càng được quan tâm.


Tây Nguyên - gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum không chỉ là địa bàn chiến lược về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng mà còn là vùng văn hóa dân gian đa đạng và đặc sắc của Việt Nam.


Hồn thiêng cồng chiêng


Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, với sự chỉ đạo sâu sắc, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tham gia của các tầng lớp nhân dân, các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần làm cho diện mạo Tây Nguyên không ngừng thay đổi: Tình hình kinh tế, xã hội, an ninh chính trị được giữ vững, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc được coi trọng, nhất là nhận thức xã hội được nâng lên rõ rệt. Công tác đầu tư xã hội về văn hóa được quan tâm, các công trình văn hóa được khuyến khích đầu tư mở rộng, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa được kiện toàn cả về số lượng lẫn chất lượng.

 

Cồng chiêng Tây Nguyên - niềm tự hào của văn hóa Việt Nam.Viết Tôn

 

Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Tây Nguyên càng được chú trọng, giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, nghệ thuật được mở rộng, thiết chế văn hóa cơ sở từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc, từ đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Các tỉnh Tây Nguyên đã bảo tồn, phục dựng lại các lễ hội truyền thống mang nhiều màu sắc đặc trưng, phản ảnh nhiều mặt của đời sống xã hội của đồng bào các dân tộc qua bao ngàn đời nay như lễ đâm trâu, mừng lúa mới, cúng bến nước, bỏ mả mừng sức khỏe, lễ cầu mưa… Trong đó, đặc biệt, lễ hội cồng chiêng, các kho tàng sử thi của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã đạt đến đỉnh cao của văn hóa nhân loại.


Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, âm nhạc Cồng chiêng Tây Nguyên là một loại hình văn hóa độc đáo, được tồn tại hàng ngàn năm trong các buôn làng. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, âm hưởng cồng chiêng đi suốt vòng đời người, từ lúc sơ sinh đến tuổi trưởng thành và cả khi về với tổ tiên cũng có âm nhạc cồng chiêng đưa tiễn. Ở đâu có lễ hội, ở đó có nhạc chiêng.

Tây Nguyên có biết bao nhiêu lễ hội nào là lễ chúc phúc, lễ trưởng thành, lễ cúng bến nước nước, lễ rước kpal, lễ bỏ mả… Bên bếp lửa nhà dài của người Êđê hay dưới mái nhà rông của người Bana, J’rai… mỗi khi nhạc chiêng vang lên là lúc các thành viên trong buôn, làng cùng về sum họp, cũng là lúc mọi người trong cộng đồng xích lại gần nhau hơn. Nhiều người thường nói, mái nhà rông (của đồng bào J’rai, ngôi nhà dài của đồng bào Êđê) là linh hồn của buôn, làng Tây Nguyên, thì âm nhạc cồng chiêng là sinh khí của làng buôn, chứng tỏ sức sống bền bỉ của một thực thể với bản sắc độc đáo của nó.


Đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên còn cho rằng, cồng chiêng Tây Nguyên không đơn thuần là nhạc khí mà nhạc chiêng còn là phương tiện giao tiếp với thần linh, là của gia bảo, thước đo sự giàu sang của các gia đình, dòng họ. Dàn chiêng được thiêng hóa theo thời gian, được tích tụ từ hồn thiêng sông núi qua truyền thống văn hóa của nhiều thế hệ. Giai điệu chiêng của đồng bào J’rai thì du dương, trữ tình, còn chiêng của đồng bào Êđê thì sôi nổi, dồn dập, nhiều tiết tấu, chiêng của đồng bào M’nông thì âm trầm vang xa… Và ngày 25/11/2005, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây không những là niềm vinh dự, tự hào lớn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng mà còn là niềm tự hào của nền văn hóa Việt Nam nói chung.


Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp để sưu tầm, bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Các tỉnh Tây Nguyên duy trì tổ chức thường niên các lễ hội truyền thống, liên hoan văn hóa cồng chiêng từ tỉnh đến cơ sở… để tạo điều kiện cho đồng bào có dịp diễn tấu cồng chiêng, đồng thời, đầu tư kinh phí mới các nghệ nhân là đồng bào dân tộc thiểu số Êđê, M’nông, J’rai, Bana…truyền dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào ở các buôn làng. Tại tỉnh Đắk Lắk đã có trên 500 đội chiêng trẻ là con em của đồng bào dân tộc Êđê ở các buôn làng phục vụ đồng bào trong sinh hoạt cộng đồng, trong các dịp hội hè. Vào các ngày lễ, Tết, hình ảnh quen thuộc “bên ngọn lửa thiêng”, những vòng người say sưa múa hát trong tiếng cồng chiêng vang động núi rừng lại xuất hiện trên khắp các buôn làng.


Kho tàng sử thi “sống”


Tây Nguyên còn nổi tiếng với kho tàng văn học truyền miệng, với nhiều thể loại phong phú, tiêu biểu nhất là kho tàng sử thi “sống” trường tồn trong đời sống của các tộc người Tây Nguyên, với hàng trăm tác phẩm được trình diễn trong sinh hoạt cộng đồng. Theo các nhà nghiên cứu, Tây Nguyên được coi là vùng sử thi duy nhất ở Việt Nam, với một kho tàng sử thi khá đồ sộ và đặc sắc và cũng là vùng sử thi quý hiếm trên thế giới. Đến nay, các chuyên gia thuộc các đơn vị chức năng đã điều tra, sưu tầm được trên 622 tác phẩm sử thi Tây Nguyên, đặc biệt là phát hiện ra nhiều loại sử thi liên hoàn, gồm nhiều tác phẩm liên quan với nhau về nhân vật, chủ thể và phong cách thể hiện, như sử thi Ot Ndrông của ngưòi M’nông, Đăm Giông của người Xơ Đăng. Các đơn vị chức năng cũng đã tổ chức biên dịch trọn bộ 52 tác phẩm sử thi Tây Nguyên, trong đó có 21 tác phẩm đã xuất bản, phổ biến rộng rãi bằng song ngữ (tiếng dân tộc và tiếng phổ thông).


Với chủ trương trả sử thi về với đồng bào, để sử thi “sống” thật sự trong không gian đặc trưng, từ năm 2003 trở lại đây, các tỉnh Tây Nguyên đã liên tục tổ chức các lớp truyền dạy sử thi Tây Nguyên tại chính mảnh đất sản sinh ra loại hình hát kể độc đáo này. Các lớp học này do Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian tổ chức, đang nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các già làng cũng như thế hệ thanh thiếu niên là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.


Ông Nguyễn Tấn Đắc, Phó Viện trưởng Viện Đông Nam Á đã khẳng định: “Tây Nguyên hầu như tự mình, từ trên mảnh đất của chính mình, sáng tạo ra một đời sống văn hóa độc đáo, có tính nghệ thuật cao. Có thể nói, không cần quá dè dặt và khiêm tốn rằng, Tây Nguyên đã đóng góp vào nền văn hóa Việt Nam và văn hóa thế giới những bản trường ca sử thi, những pho tượng nhà mồ và những sinh hoạt âm nhạc cồng chiêng tuyệt vời…”.

 

Quang Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN