Bảo tồn nghệ thuật hát dân ca của đồng bào Dao

Nhắc đến đồng bào Dao, nhiều người nhớ tới những nét văn hóa đặc sắc tiêu biểu như lễ cấp sắc, đám cưới người Dao hay nghề thêu thổ cẩm trên những trang phục độc đáo.


Đặc biệt, đồng bào Dao ở Bắc Giang còn lưu giữ được những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Trong sinh hoạt cũng như trong lao động sản xuất, đời sống tâm linh, đồng bào Dao luôn có những làn điệu dân ca phù hợp để phản ánh, ngợi ca giá trị của cuộc sống. Tuy nhiên, theo thời gian, dân ca của người Dao ở Bắc Giang cũng dần bị mai một.


Cách thành phố Bắc Giang gần 100 km, Bản Mậu, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động có 100% đồng bào Dao sinh sống. Được ví như tư liệu sống trong kho tàng dân ca của người Dao, bà Bàn Thị Duyên, thôn Bản Mậu cho biết: Hát dân ca của người Dao còn gọi là hát Páo Dung hay Pả Dung theo lối sinh hoạt gồm các bài hát ru, hát giao duyên, hát mừng gặp mặt, hát tiễn khách… Hát Páo Dung theo tín ngưỡng gồm các bài hát được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống của người Dao như lễ cấp sắc, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng.

Nghệ thuật hát dân ca của đồng bào Dao ở Bắc Giang đang dần bị mai một.


Cũng giống như những làn điệu dân ca của các dân tộc khác, hát Páo Dung của người Dao ra đời từ chính lao động, cuộc sống thường ngày và tình cảm giữa người với người. Nội dung của các bài hát ngợi ca về tình yêu cuộc sống, tình yêu lao động, tình yêu đôi lứa và cả những nét độc đáo trong văn hóa của người Dao. Hát Páo Dung có nhiều nét độc đáo tùy từng lối hát, cách thức thể hiện. Hát theo lối sinh hoạt chủ yếu dựa vào tài “ứng tác” của người hát, tùy từng hoàn cảnh, đối tượng khác nhau mà một chủ đề hát lại có những câu từ, lời ca khác nhau. Nhưng hát theo nghi lễ lại là những bài hát cố định, được học thuộc để thực hiện trong các nghi lễ. Những câu hát, giai điệu của hát lễ nghi tín ngưỡng phải có quy tắc, chuẩn mực rõ ràng bởi theo họ đời sống tâm linh rất linh thiêng.


Sự khác nhau giữa lối hát sinh hoạt và hát lễ nghi tín ngưỡng chính là ở nhạc cụ của người hát. Thông thường hát lễ nghi tín ngưỡng hay còn gọi là điệu hát chầu của người Dao không thể thiếu đi tiếng nhạc chuông reo, thanh âm của tiếng nhạc giúp giai điệu lời hát rộn rã, sôi nổi hơn, đây chính là tính nhạc của điệu hát này. Trong khi đó, lối hát sinh hoạt của người Dao lại mềm mại, bay bổng và dịu ngọt hơn, những câu hát đòi hỏi người hát gửi gắm cả tâm tình, đó là lối hát giao duyên, lối hát ru trữ tình say đắm.


Do sự phát triển của xã hội, dân ca dân tộc của người Dao ở bản Mậu nói riêng, ở Sơn Động và tỉnh Bắc Giang nói chung đang có nguy cơ mai một. Hiện nay ở bản Mậu, những người biết hát Páo Dung chỉ có một số ít người cao tuổi. Tiếng hát của người Dao đóng một vai trò không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Chỉ tiếc rằng tiếng hát ấy giờ đây có nguy cơ mai một, việc mở một lớp dạy hát dân ca cho bản người Dao đang là một thực tế cấp thiết. Làm được điều đó, thế hệ trẻ của người Dao mới có cơ hội để tìm hiểu và hát dân ca dân tộc mình. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền và chính nhân dân cùng nỗ lực.
Đồng Thúy
Lễ “Tù cải” của người Dao
Lễ “Tù cải” của người Dao

“Tù cải” là lễ cấp sắc hay lễ thành đinh - lễ trong chu kỳ đời người dành cho nam giới của người Dao Đầu Bằng (plấy bên muồn) từ 9 - 17 tuổi (theo năm âm là 10 - 18 tuổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN